Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB-XH, đại diện một số ủy ban của Quốc hội, ban Đảng, các hiệp hội, chuyên gia giáo dục…
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết, trong quý 1-2018, sẽ tổ chức hội nghị với các địa phương triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác chuẩn bị thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Cùng với đó, tiếp thu ý kiến góp ý rộng rãi của xã hội về dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục, hoàn thiện và ban hành.
Bộ GD-ĐT cũng tích cực chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển sinh đại học năm 2018. Trong đó có việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT Quốc gia và xét tốt nghiệp THPT năm 2018; Ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo.
Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi. Hiện Bộ GD-ĐT đã đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo sở GD-ĐT phối hợp với các cấp, các ngành của địa phương thực hiện tổng rà soát, thống kê hiện trạng đội ngũ giáo viên hiện có; tính toán số lượng giáo viên thừa/thiếu cục bộ theo từng môn học, cấp học; tổng hợp nhu cầu về giáo viên phổ thông từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2022 - 2023 để có căn cứ chính xác khi giao chỉ tiêu đào tạo sinh viên sư phạm cho các trường theo nhu cầu của địa phương từ năm 2018.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, các vụ bạo hành trẻ em tại những điểm trông trẻ, nhóm trẻ tư thục trong KCN-KCX cho thấy Bộ GD-ĐT chưa có khảo sát căn cơ, toàn diện về nhu cầu gửi trẻ, mạng lưới trường lớp, giáo viên mầm non. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Không thể để tình trạng các nhóm trẻ tư thục không có giáo viên được đào tạo, dù chỉ trong thời gian ngắn”. Do đó cần phải có các quy định sát thực tế nhằm tăng cường xã hội hóa, phát triển các nhà trẻ, nhóm trẻ tư thục, điểm trông trẻ tại các KCN-KCX.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, dù đạt được những kết quả tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi… ở bậc phổ thông song ngành giáo dục vẫn nặng bệnh thành tích, tình trạng dạy thêm, học thêm, bạo lực học đường xảy ra ở nhiều địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trong năm 2018, ngành giáo dục quyết tâm giảm bệnh thành tích. Đồng thời, sẽ đẩy nhanh sắp xếp các trường sư phạm và đại học trực thuộc theo hướng tự chủ, bỏ bộ chủ quản, trở thành pháp nhân độc lập. Tăng cường công tác kiểm định để hình thành “văn hóa chất lượng”, gắn tuyển sinh với sử dụng, siết chất lượng đầu ra. Bộ GD-ĐT cũng sẽ phối hợp với Bộ LĐTB-XH để rà soát, sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề, giáo dục thường xuyên theo hướng liên thông với các bậc cao đẳng, đại học, gắn với giáo dục suốt đời; sáp nhập các trung tâm này thành cơ sở, phân hiệu của những trường đại học lớn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT cần tập trung hoàn thiện, tiếp thu toàn bộ ý kiến góp ý đối với chương trình GDPT, bảo đảm yêu cầu giảm tải, thống kê về tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở từng môn, từng địa bàn phục vụ cho việc lập kế hoạch đào tạo mới, tập huấn, bồi dưỡng lại giáo viên theo chương trình mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT nắm rõ các số liệu thống kê về giáo viên đến từng trường, từng môn học “không thể nói chung chung”, “khoán” cho địa phương. Cùng với đó, rà soát lại, cụ thể hóa các tiêu chí thi đua của các trường theo tinh thần mới, khắc phục bệnh thành tích để triển khai trong năm học mới 2018 - 2019. Mặc khác, Bộ GD-ĐT xem xét, chỉ đạo thực hiện “mô hình mẫu” tự chủ, bỏ bộ chủ quản đối với 1-2 trường đại học trực thuộc về tổ chức bộ máy, hội đồng trường, chuyên môn, tài chính… để các cơ sở giáo dục đại học khác làm theo.