Ngay sau khi báo phát hành, đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết, Khoản 3 Điều 3 Nghị định 99/2015 quy định về nội dung kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm của địa phương bao gồm: Vị trí, khu vực phát triển nhà ở, số lượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, số lượng nhà ở, tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở cần đầu tư xây dựng, trong đó nêu rõ kế hoạch cho 5 năm và hàng năm; tỷ lệ các loại nhà ở (nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư) cần đầu tư xây dựng; số lượng, diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội cần đầu tư xây dựng trong 5 năm và hàng năm, trong đó nêu rõ diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê; xác định chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người tại đô thị, nông thôn và trên toàn địa bàn; chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu; xác định diện tích đất để xây dựng các loại nhà ở (nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở công vụ) trong 5 năm và hàng năm; các hình thức đầu tư xây dựng nhà ở)…
Đây là hướng dẫn chung cho việc lập Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm, và Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 đã được UBND TPHCM phê duyệt tại Quyết định số 5087 ngày 14-11-2018.
Thực tế tại TPHCM, các dự án nhà ở triển khai trong thời gian 2 - 5 năm, thậm chí có trường hợp kéo dài đến 10 năm. Do đó, khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án phát triển nhà ở mới thì phải căn cứ Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm, chứ không phải căn cứ Kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm.
Sở Xây dựng đã chủ trì cuộc họp với các sở/ngành liên quan (quy hoạch kiến trúc, tài nguyên môi trường…), tất cả đều thống nhất theo kiến nghị của Sở Xây dựng để báo cáo UBND TP. Theo đó, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 sẽ không kèm theo các danh mục dự án.
Ngoài ra, theo kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, các dự án chỉ cần thực hiện theo kế hoạch phát triển nhà ở của TPHCM là đủ điều kiện để xét chủ trương đầu tư.