
Trong giới ca hát, nhiều người biết rõ uy quyền của người đàn bà, chủ của một vũ trường và hai cửa hàng ăn lớn cầm tinh con rắn này, không chỉ ở thân xác hấp dẫn tuyệt đối mà còn ở cái hầu bao nặng chịch tiền đô. Rất nhiều chương trình ca nhạc kinh doanh do chị chi tiền. Trong các thứ quyền có hai thứ được coi là quyền to nhất, lớn nhất: quyền thăng chức và quyền chi tiền. Bà chủ Mộng Mơ không có quyền thăng chức nhưng có quyền chi tiền. Hầu hết các đạo diễn, các ngôi sao ca hát, điện ảnh đều phải nể mặt người phụ nữ rực rỡ biến ảo khôn lường này. Không ít người gần như bị thôi miên trước nụ cười của chị.

Minh họa A.Dũng
Nụ cười duỗi dài, một phần hướng lên cao, hai phần hướng xuống phần dưới. Một nụ cười tập hợp tất cả các màu sắc, mùi vị của sự khêu gợi, cam chịu, cảm thông, chia sẻ… Nụ cười này gửi tới ai, người đó không còn là mình nữa, bảy vía còn hai, chín vía còn ba...
Có kẻ nham nhở liếm môi, nháy mắt. Nụ cười khép lại. Tiếng nói trẻ trung sắc bén phát ra:
“Vốn tự có của em như biển rộng sông dài; giỏi bơi thì hãy đến; nếu không, xin đứng ngoài mà coi…”. Rồi sau đó, một tiếng thở dài, một lời khuyên nhủ. Như mẹ dạy con:
“Thật đáng thương những người đàn ông luôn làm ra vẻ đàn ông. Thật đáng khinh những gã đàn ông coi thường phụ nữ”.
Bài diễn sầu muộn về nhân tình của người đàn bà có hàng chục biệt danh này là một tiết mục ấn tượng nhất cho giới đàn ông quen biết. Hầu hết mọi người đều bị cứng hàm, ngay cổ, chân tay rệu rã. Cái cần cứng bị mềm đi, cái cần mềm mại bị cứng lại. Người ta bảo, bà phù thủy Mộng Mơ có phép thuật làm “đông lạnh” đàn ông. Có một người không bị “đông lạnh”, thản nhiên bảo: - Thật đáng thương cho người đàn bà coi thường đàn ông. Thật đáng trách cho người đàn bà lừa gạt đàn ông…
Ông ta là Bầu Cát, một bầu sô có tiếng tăm. Đầu như trái bí đỏ. Mũi như trái dưa leo. Giống như bức tranh vẽ theo trường phái siêu thực. Xa, gần đều vậy. Có biệt danh “Siêu thực tiên sinh”. Ông ta lâu lâu mới đến quán Sao Sáng của bà chủ Mộng Mơ để thưởng thức ly rượu ngô vùng Tây Bắc ngâm cao khỉ.
- Này, nói cho ông anh biết, tôi là người đàn bà có hai lúm đồng tiền ở vùng dưới thắt lưng. Tôi có thứ keo dán vạn năng để giữ người đấy. - Bà chủ Mộng Mơ có vẻ chân thành, chân tình.
- Đau ê ẩm cả người. Già rồi! “Siêu thực tiên sinh” cũng tỏ ra chân tình, thẳng thắn. Chưa bao giờ hai người nói chuyện với nhau đến câu thứ ba. Lần này đã khác. Bà chủ Mộng Mơ hỏi câu thứ ba:
- Nghe đồn ông anh có tài biến heo thành cọp, biến quạ thành công. Phải vậy chăng?
- Thiên hạ quá lời, nhưng sự thật không sai là mấy!
- Tôi có thằng em muốn được ông anh dạy dỗ, phù phép cho có danh có tiếng.
- Thằng khờ Vũ Dũng chuyên hát nhạc đám cưới, đám ma chứ gì?
- Ông anh thật sáng dạ…
- Giá cả tính sao?
- Tiền bạc giới hạn mở. Tình cảm giới hạn đóng.
- Tốt!
Một câu hỏi thêm từ cái miệng “củ tỏi” của “Siêu thực tiên sinh” phát ra:
- Xin phép được hỏi thêm bên A đầu tư cho công trình này với mục đích gì? Tình cảm hay lợi nhuận?
Phù thủy Mộng Mơ lại diễn bài “mẫu hậu” răn dạy con cháu: “Đáng buồn thay những người đàn ông chỉ biết có 3 vòng của phụ nữ”.
- Xin được mua thông tin về những cái vòng của phụ nữ. – Siêu thực tiên sinh nghiêm túc.
- Giá?
- Giảm 10% chi phí thành danh.
- Được thôi! Nói cho ông anh hay, ngoài 3 vòng, phụ nữ còn có 2 cái vòng không nhìn thấy là vòng tránh thai ở dưới và vòng kim cô ở trên đầu…
Bầu sô với hình dáng tổ hợp của những củ quả cười sảng khoái, vỗ tay khen:
- Hay, rất hay…
Con cáo già tình trường và nhà nghiên cứu đàn bà học này tự thưởng cho mình một ly rượu nữa.
Ông ta nhìn ngắm Vũ Dũng, thân mật vỗ vai:
– Có hai lối đi. Nhanh nhưng không bền vững. Chậm nhưng vững bền, cậu chọn lối nào.
Chàng khờ cười lỏn lẻn, ngây ngố. Nụ cười ấy nói lên tất cả. “Siêu thực tiên sinh” quyết định giải quyết nhanh gói thầu này. Vũ Dũng có năng khiếu về hát bởi giọng nam trung ấm áp, truyền cảm. Nếu gã được học hành đến nơi đến chốn và chỉ số thông minh cao gấp đôi hiện tại, gã sẽ thành công trong công việc MC hay hoạt náo viên trong các chương trình văn nghệ. Gã cũng có một thể lực mạnh mẽ, dẻo dai bền bỉ, một thân hình nam giới lý tưởng và khuôn mặt tấu hài tự nhiên. Với gã, phương pháp đào tạo tốt nhất là học theo, bắt chước, không cần lý thuyết. Giống như việc học săn mồi của sư tử con vậy.
“Siêu thực tiên sinh” đưa Vũ Dũng đến vũ trường bảo: - Nhảy đi. Theo người ta mà nhảy tất cả các loại.
Gã có ngay, tới liền. Nhập cuộc theo bản năng bắt chước. Người ta giậm chân. Gã cũng giậm chân. Thiên hạ lắc mông, nhún nhảy. Gã làm theo. Dần dần, theo thầy dạy, trong bộ nhớ của gã đủ phân loại ba loại nhảy: - nhảy cổ điển trữ tình, nhảy quậy theo kiểu pop, rock và nhảy tấu hài dân gian.
Ông bầu “củ quả” ném gã tới các phòng trà, nhà hàng, tiệc cưới, bảo: - Hát đi! Gã hát theo người ta hát để nhớ, để thuộc. Rồi gã cũng thuộc được hơn chục bài hát hợp với chất giọng. Những bài hát thuộc loại thính phòng cổ điển, gã hát hay không kém Tạ Minh Tâm là mấy. Những bài thuộc loại trữ tình dân ca, thua Nhất Sinh chẳng đáng là bao. Gã cũng hát được những bài tiết tấu nhanh mạnh. Pop, rock, rap… Các thứ thời thượng gã chơi được.
Ông bầu “củ quả” âm thầm điều tra, cư dân phòng trà, nhà hàng nhận xét về gã: – Được lắm, chất giọng khá, diễn xuất ấn tượng. Ông bầu hỏi gã: - Cậu thích hát những bài nào. Gã không cần suy nghĩ nói ngay: - Những gì vui vẻ, hát ít nhảy nhiều…
Một tuần sau “Siêu thực tiên sinh” thiết kế cho gã tiết mục riêng trong chương trình ca múa nhạc tạp kỹ với tên gọi “Tình yêu lên rừng, xuống biển”. Ba bài hát về tình yêu được hát nối nhau, lúc trữ tình duyên dáng, khi vui vẻ tưng bừng. Điểm nhấn và cũng giai điệu xuyên suốt là câu hát “Tình yêu đến rồi đó. Nào ta có sợ chi. Cứ yêu đi, yêu đi…”. Ông bầu nhắc nhở.
Gã hăng hái hô to: - Có ngay, tới liền…
“Siêu thực tiên sinh” chăm sóc kỹ lưỡng cho chương trình ca nhạc tạp kỹ “Bốn mùa tình yêu”. Tiết mục liên ca khúc “Tình yêu lên rừng, xuống biển” của Vũ Dũng chỉ kéo dài 15 phút và ở phần áp chót. Lâu rồi, có lẽ cũng đến hơn một năm Bầu Cát mới tái xuất giang hồ kinh doanh nghệ thuật. Con người thô kệch dị dạng này có thể ẩu tả qua loa mọi thứ sinh hoạt hàng ngày nhưng với nghệ thuật không bao giờ tắc trách làm cho xong chuyện. “Vấn đề không phải chỉ là tiền bạc!”. Ông ta nói vậy. Ai cũng tin. Như mọi lần, chủ quán Mộng Mơ góp một phần ba vốn đầu tư. Lần này chỉ tăng thêm lời dặn: “Phải để thằng em tôi thắng trận này!”. Bầu Cát hắt hơi thay cho câu trả lời. Ông ta biết rất rõ sự thành công trong chương trình nghệ thuật lưu diễn ở các tỉnh còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài chương trình.
“Sao, ông anh không dám hứa à?”.
“Tôi chẳng hứa hẹn cái gì, chỉ làm hết sức mình thôi”.
“Vậy là tốt rồi!”.
Quả thật, với tiết mục “Tình yêu lên rừng, xuống biển”, Bầu Cát đã dồn hết tâm huyết để có được một sự độc đáo, hấp dẫn. Ông ta thuê chuyên gia đến để làm đẹp cho Vũ Dũng. Yêu cầu nêu ra: quần áo, đầu tóc phải phù hợp với dáng vóc, khuôn mặt, tạo ấn tượng mạnh về con người trai trẻ với nhận thức trẻ trung, khoáng đạt về tình yêu. “Yêu đi, cứ yêu đi. Đường xa có ngại chi. Lên rừng rồi xuống biển. Ta đâu có ngại chi… Tình yêu đến rồi đi… ta đâu có ngại chi… Cứ yêu đi, yêu đi”. Những điệp khúc ấy phải có một hình thể, một vóc dáng, màu sắc nổi trội. Bầu Cát nói rõ hơn.
– Nóng chứ gì?
– Phải vừa nóng, vừa lạnh.
– Quỷ thần ơi, vậy là bệnh rồi.
– Bệnh là thế nào. Cỡ 40 độ chưa phải nóng, 25 độ chưa phải lạnh…
– Hâm hâm hay hâm hấp phải không…
– Cái mặt ngố của nó đã có sẵn rồi. Cho thêm tí láu cá, tí tri thức, tí thám tử, tí trữ tình, tí trung thực thẳng thắn…
– Thứ lẩu này sẽ có mùi vị gì đây?
– Mùi tình yêu thời bao cao su…
Sau ba lần thay đổi, Bầu Cát mới chọn được một hình thức ưng ý cho Vũ Dũng. Một cái đầu theo cấu trúc bóng đá Anh “lật cánh đánh đầu”. Tóc chia làm ba phần rõ rệt. Phần giữa tuốt dựng lên với tư thế lao về phía trước bất chấp sinh tử. Hai bên giống như hai mái hồi của tòa nhà nghị viện kiểu La Mã. Độ nghiêng 30 độ. Không dốc quá cũng chẳng bằng quá. Những thứ không giữ được sẽ trôi đi. Không giống những tay sành điệu chạy theo mốt các cầu thủ bóng đá Anh xẻ rãnh trên đầu. Hai rãnh trái phải trên tóc của gã không lộ rõ. Một lằn xanh kín đáo theo kiểu áo đầm phụ nữ hơi trễ trên ngực. Chỉ cần thấy lằn ranh chia đôi bộ ngực phụ nữ là đủ rồi.
Với quần áo, Vũ Dũng được ấn định mang sắc thái màu hồng. Màu của tình yêu trong thời bắt lửa. Áo màu đỏ, quần màu vàng. Vải mềm. Dây đai bằng loại thắt lưng kiểu cao bồi vùng miền Tây nước Mỹ. Giày bốt màu mận chín, đế cao.
“Giống hề trong tiết mục tung hứng của xiếc!”. “Không, trông anh ta giống nhân vật Tin Tin trong truyện tranh”.
“Khác thường! Có vẻ siêu nhân”…
Bầu Cát hài lòng cười hể hả: - Giống những thứ đó là trúng tủ rồi. Đám trẻ thời nay vốn thích những thứ đó mà.
Khi diễn tập lần cuối cùng như thật, bà chủ Mộng Mơ đến xem. Thấy thằng em nuôi trong trang phục không giống ai, cái đầu và bản mặt cũng chẳng giống ai, chị kêu lên: - Đây là một con rối chứ đâu phải ca sĩ…
Bầu Cát gật gù cái đầu dị hình vẻ tán thưởng: - Có hiệu quả rồi!
Mộng Mơ khó chịu, gắt: - Hiệu quả cái con khỉ. Hiệu củ cải, quả cà chua. Ma còn sợ huống chi là người.
Bầu Cát tự tin, nhẩm nha: - Cô em cứ bình tĩnh xem cho hết rồi hãy phán.
Ông ta gọi Vũ Dũng đến bên, hỏi: - Cậu thấy bộ đồ đang mặc thế nào?
– Quần áo nào chẳng là quần áo. Cháu không để ý!
– Còn tóc.
– Cũng vậy thôi!
– Tốt rồi, cứ hồn nhiên, tự nhiên mà hát, diễn, không để ý gì đến xung quanh.
Một tố chất không thể thiếu được đối với người nghệ sĩ biểu diễn là không sợ đám đông, không ngán khán giả. Tố chất ấy có thể do rèn luyện, cũng có thể do bản năng. Với Vũ Dũng, tinh thần “điếc không sợ súng” thuộc về bản năng. Với gã, chỉ cần làm theo những gì đã được căn dặn, những gì có trong đầu óc. Không cần biết người khác nghĩ gì, bàn luận gì. Lên sân khấu, gã như người đi xe đạp không thắng. Khi bảo ngừng, rồi xe ngã xuống hoặc cho xe tông vào tường chắn. Chính vì thế, khi hát diễn gã hầu như không thay đổi nét mặt. Cái “cửa sổ tâm hồn” luôn mở toang hoác, chẳng có chùm bông giấy mộng mơ, cánh hoa lan trữ tình hay mở ra khép vào bí ẩn, quyến rũ. Cái “vòng cung gợi cảm” hầu như giữ nguyên một dáng hình “Cười mà không phải cười” bẩm sinh. Không hề có thắt, mở ra, khép lại chuyển động thẳng, chuyển động ngang như các nghệ sĩ khác. Ngoài những động tác diễn xuất như lắc mông, nhún nhảy, giậm chân múa tay, các hoạt động biểu cảm từ các bộ phận khác của gã hầu như không có. Gã giống như đứa trẻ to xác nhảy nhót trên sân khấu.
Điều không ngờ đã xảy, cái thứ rô bô múa hát kia đã tạo được hiệu quả nghệ thuật. Sự nồng nhiệt vô hồn của điệp khúc “Yêu đi, cứ yêu đi – lên rừng rồi xuống biển…” gây được sự hưng phấn thích thú. Hưng phấn vì nhịp điệu, tiết tấu. Thích thú vì lạ mắt, lạ tai.
Phù thủy Mộng Mơ hài lòng, khen: - Thứ lẩu sư tử này ăn được đấy…
Đúng là ăn được thật. Tuy chưa phải đặc sản ngang hàng với các siêu sao trong chương trình, nhưng trò hát diễn nhí nhố của Vũ Dũng cũng được khán giả các vùng quê và cả những đô thị lớn vỗ tay tán thưởng rầm rộ. Tên tuổi của ca sĩ Vũ Dũng được nhiều người nhắc đến. Có một số bạn trẻ tìm Vũ Dũng xin chữ ký và ảnh lưu niệm. Gã tung tăng hớn hở “có ngay, tới liền” với bất kỳ ai gọi. Gã có nhiều việc làm hơn. Nhiều bầu sô, gánh hát, nhà hàng mời gã tham gia chương trình. Cát xê cho gã ở mức trung bình.
Đã có một cuộc cá độ về chàng nghệ sĩ chưa thành danh này. Hai năm sau Vũ Dũng sẽ trở thành một ngôi sao ca nhạc “loại vơ đét”. Năm người “bắt thắng”. Năm người “bắt thua”...
Trần Văn Tuấn