Dựa trên câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm của bộ phim về thuyền trưởng Sinbad, ê kíp làm chương trình Ngày xửa ngày xưa đã xây dựng hình tượng nhân vật Sinbad dũng mãnh, tính tình dễ thương qua câu chuyện Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Đại chiến nàng tiên cá. Trong câu chuyện kịch nhiều tiếng cười và đậm chất nhân văn, Sinbad (NS Đình Toàn) và thủy thủ đoàn được mời đến Vịnh Tiên Cá để tham dự buổi trao truyền thủy ngọc quyền năng của dòng họ tiên cá trắng cho công chúa Mê Ly (NSƯT Mỹ Duyên). Tuy nhiên, buổi lễ không thể tổ chức được vì tiên cá đen Mê La (NSƯT Thành Lộc) cùng lâu la đến quậy phá với ý định chiếm viên ngọc quý... Từ đây, diễn biến câu chuyện cuốn hút người xem với nhiều bất ngờ về hành trình Sinbad cùng bạn bè chiến đấu với cái ác, bảo vệ sự bình yên của dòng họ tiên cá trắng trước các thế lực đen tối.
Vở kịch có sự tham gia của 60 nghệ sĩ, diễn viên, trong đó có nhiều tên tuổi rất quen thuộc với khán giả Ngày xửa ngày xưa như: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, NS Bạch Long, Hoàng Trinh, Hương Giang, Đình Toàn, Lê Khánh, Tuấn Khải, Tuấn Khôi... 100 bộ phục trang được thiết kế tỉ mỉ, mang những sắc màu vừa huyền ảo lại vừa gần gũi với trẻ em. Không gian sân khấu được dàn dựng thay đổi liên tục theo mạch chuyện, giúp trẻ tha hồ tưởng tượng, hình dung về các nhân vật sinh vật biển và thế giới biển kỳ bí.
Đạo diễn Đình Toàn là một nghệ sĩ tài năng và yêu thích trẻ em. Trong mỗi tác phẩm sân khấu thiếu nhi do anh dàn dựng luôn chú trọng đến ý nghĩa câu chuyện mang tính giáo dục nhẹ nhàng dành cho trẻ em. Trong Ngày xửa ngày xưa 33, anh đã khéo léo chuyển tải nhiều thông điệp giá trị của cuộc sống, như: chung tay bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, bảo vệ thiên nhiên và thế giới sống xanh - sạch - đẹp xung quanh. Đặc biệt là việc bảo vệ các loài sinh vật biển, giữ gìn môi trường biển xanh, sạch; sai lầm của cha mẹ khi ép buộc con cái sống theo ước mơ, sự kỳ vọng lớn lao của cha mẹ; tinh thần đoàn kết luôn chiến thắng cái ác... Dõi theo hành trình của chàng Sinbad, khán giả sẽ thấy rất nhiều mảng miếng hài nhẹ nhàng, vui nhộn, cập nhật nhanh chóng các xu hướng hiện đại của giới trẻ và xã hội hiện tại, phản ánh những vấn đề rất gần gũi với tâm lý và cuộc sống con người hôm nay.
Trước khi chương trình Ngày xửa ngày xưa diễn suất đầu tiên, ấn tượng với khán giả yêu thích chương trình chính là sự kiện phòng vé online mở bán vé đợt 1 và đã bán sạch hơn 13.000 vé của 13 suất diễn. Có lúc phòng vé online bị sập nguồn vì quá tải, buộc phải ngưng nhận đăng ký của khán giả trong vài ngày. Sau khi đã giải quyết vé đợt 1, phòng vé sẽ mở đợt bán vé thứ 2 vào những ngày cuối tháng 5-2022.
Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn cho biết: “Ê kíp làm chương trình chỉ mong mọi việc diễn ra suôn sẻ để các em thiếu nhi được giải trí với một sản phẩm sân khấu chất lượng như mong muốn. Đây cũng là một cách để kích thích tinh thần hoạt động kịch nói của sân khấu thành phố sau một thời gian gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi luôn cố gắng duy trì chương trình Ngày xửa ngày xưa đúng phong độ, vì khán giả, để khán giả cảm thấy xứng đáng khi bỏ tiền mua vé xem một chương trình nghệ thuật. Tôi cũng rất bất ngờ khi có cả triệu khán giả đăng ký mua vé online, số lượng này gấp 3 lần so với đợt bán vé trước đây. Vở kịch năm nay có thời lượng vừa phải, khoảng 2 giờ 30 phút, nội dung súc tích hy vọng sẽ làm hài lòng khán giả thiếu nhi và cả phụ huynh”.
Hàng năm, chương trình Ngày xửa ngày xưa thường được công diễn vào đầu tháng 6, nhưng năm nay, do tình hình dịch bệnh nên chương trình năm học 2021-2022 của học sinh kéo dài đến gần cuối tháng 6. Vậy nên, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF phải sắp xếp lịch khởi động suất diễn đầu tiên vào ngày 1-7, sau đó sẽ diễn liên tục vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, kéo dài đến ngày 7-8, mỗi ngày 2 suất. Sau 25 suất, nếu điều kiện thuận lợi, chương trình Ngày xửa ngày xưa sẽ tái diễn thêm 4 suất vào dịp Trung thu. |