Đến dự chương trình có đồng chí Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Trương Thị Ánh, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM; cùng đông đảo các nghệ sĩ, các mạnh thường quân luôn đồng hành cùng các hoạt động từ thiện của NSND Kim Cương và khán giả yêu quý nữ nghệ sĩ tài danh.
Để vinh danh NSND Kim Cương, Ban Văn nghệ Đài truyền hình TPHCM thực hiện chương trình Ngân mãi Chuông vàng vinh danh “Kỳ nữ Kim Cương” vào tháng đầu tiên của năm mới 2024. Đây cũng là thời khắc không khí xuân mới Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến thật gần.
Với NSND Kim Cương, trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật, bà đã cống hiến hết mình cho sân khấu, để lại rất nhiều vở diễn kinh điển, mang ý nghĩa nhân văn như: Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ, Vực thẳm chiều cao, Bông hồng cài áo, Lá sầu riêng… Bên cạnh đó còn có những vở chuyển thể từ văn học nước ngoài như Tania, Một mình và tất cả, Trở về mái nhà xưa...
Bà và đoàn kịch Kim Cương đã ghi dấu trong lòng công chúng trong nhiều thập niên của thế kỷ 20.
Với nghề, bà luôn tâm niệm: “Đi hát không phải là một nghề, mà là một đạo – đạo làm người”. Vậy nên, khi đứng trên sân khấu, bà buộc mình phải nỗ lực, dốc sức sống, làm việc, làm nghề, theo đúng đạo lý mà bà luôn tâm niệm, gìn giữ.
NSND Kim Cương may mắn sinh ra trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, có mẹ là NSND Bảy Nam – người được mệnh danh là “Tổ nghề sống” của sân khấu cải lương Nam bộ. Cha là bầu gánh Đại Phước Cương, ông “bầu” có công phát triển cải lương đến những sàn diễn chuyên nghiệp hơn. Bà nội của bà là cô Ba Ngoạn, chủ rạp Palikao vang danh vùng Chợ Lớn. Dì là cô đào Năm Phỉ nức tiếng một thời. Vì thế, từ khi còn trong bụng mẹ, NSND Kim Cương đã được nuôi dưỡng bằng tiếng nhạc lời ca của nghệ thuật cải lương và bén duyên với sàn diễn khi chỉ mới 18 ngày tuổi.
Với Lá sầu riêng - vở diễn mà NSND Kim Cương vừa là tác giả, vừa đảm đương vai chính, vai cô Diệu đã đi theo nữ nghệ sĩ từ năm 1963 đến 2004, và chỉ dừng lại sau khi NSND Bảy Nam mất.
Trong nghề, không loại vai nào có thể làm khó bà, cũng không có dòng kịch nào mà nữ nghệ sĩ chưa từng thử sức. Kịch Kim Cương ra đời và chinh phục khán giả bằng những vở dài và thường là bi kịch. Những câu chuyện cao trào, dạt dào cảm xúc ấy được đánh giá là gần với cải lương, vì vậy, người xem có cảm giác thân thuộc và bị cuốn theo tình cảm của nhân vật. Bà luôn nỗ lực làm đẹp sân khấu bằng những vở diễn hướng con người đến chân – thiện – mỹ.
Phong cách kịch Kim Cương chất đầy nữ tính, với hình tượng trung tâm là những người mẹ, người vợ, người phụ nữ Việt Nam truân chuyên, chịu thương chịu khó.
Cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật, nữ nghệ sĩ đã tận tụy cho sân khấu ở nhiều vai trò, từ diễn viên, tác giả, đạo diễn, đến nhà quản lý. Bên cạnh hoạt động chuyên môn, bà còn ra sức đã dìu dắt nhiều diễn viên trẻ, giới thiệu cho nền kịch nghệ thành phố nhiều gương mặt sáng giá như: Huỳnh Thanh Trà, Tú Trinh, Kiều Phượng Loan, Mai Trần, Hữu Châu, Lê Công Tuấn Anh…
Lúc sinh thời, NSND Bảy Nam từng chia sẻ: “Tác phẩm ưng ý nhất đời tôi chính là con gái Kim Cương”. Ngược lại, với NSND Kim Cương thì mẹ cũng là tất cả: là người đã có công sinh thành dưỡng dục, là một người thầy trên sân khấu và cũng là một người bạn diễn ăn ý đã góp phần nâng đỡ, đào tạo ra một “kỳ nữ” trong làng kịch nói phía Nam.
Mẹ cũng chính là nguồn động lực để NSND Kim Cương tích cực cùng xã hội giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh. Rời xa sân khấu gần 20 năm, cuộc sống của nữ nghệ sĩ gắn bó nhiều hơn với các hoạt động thiện nguyện. Bà hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM, phụ trách Ban Vận động tài chánh và đối ngoại. Công việc thiện nguyện như trao truyền cho bà một sức mạnh tinh thần thật to lớn.
Điểm son trong hoạt động thiện nguyện chính là việc bà duy trì tổ chức chương trình Nghệ sĩ tri âm trong 10 năm qua, đã góp phần chăm lo đời sống cho nghệ sĩ đồng nghiệp, công nhân sân khấu bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn, trao gửi những phần học bổng nghĩa tình mang tên NSND Bảy Nam dành cho con em nghệ sĩ hiếu học mỗi dịp đầu năm mới, để góp phần ươm mầm tương lai cho bao thế hệ con em gia đình nghệ sĩ.
Đặc biệt, chương trình Nghệ sĩ tri âm lần thứ 10 đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận và quyết định xác lập Kỷ lục: “NSND Kim Cương, người sáng lập duy trì chương trình Nghệ sĩ tri âm và Quỹ học bổng Bảy Nam, hỗ trợ cho các nghệ sĩ neo đơn và con em khó khăn, thường niên liên tục trong nhiều năm nhất (10 năm)”.
Với những đóng góp tích cực cho sân khấu, cho xã hội, NSND Kim Cương trở thành tấm gương sáng cho bao thế hệ nghệ sĩ, không chỉ bởi tài năng, mà còn vì nhân cách đẹp “Sống cho đời trước khi sống cho mình”.
Trong chương trình Ngân mãi Chuông vàng vinh danh “Kỳ nữ Kim Cương”, Quỹ Chung một tấm lòng của Đài Truyền hình TPHCM đã cùng đồng hành với công tác thiện nguyện của NSND Kim Cương, trao quà tết cho 120 nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, đại diện cho các lĩnh vực: hát bội, cải lương, kịch nói, xiếc, âm nhạc. NSND Kim Cương đã trao học bổng Bảy Nam cho con em nghệ sĩ hiếu học.
Trong chương trình, những sẻ chia, tâm tình nhiều cảm xúc của "kỳ nữ Kim Cương" đã giúp khán giả hiểu hơn về nghệ thuật, cuộc đời của nữ nghệ sĩ và những tác phẩm sân khấu kinh điển quý giá.
Đặc biệt, trích đoạn cải lương Lá sầu riêng (tác giả: Hoàng Dũng, đạo diễn: NSND Kim Cương) đã làm nức lòng khán giả mộ điệu, khi lần đầu tiên sau gần 20 năm rời xa sàn diễn, "kỳ nữ Kim Cương" trở lại với ánh đèn sân khấu trong vai bà mẹ, diễn xuất cùng NSƯT Hữu Châu và hai diễn viên trẻ Lương Thế Thành, Lê Phương. Với vai Diệu – người mẹ nghèo tần tảo, yêu thương con trai hết mực, NSND Kim Cương tiếp tục lấy đi nước mắt của bao người xem.