Cuối phiên họp sáng 19-6, thảo luận tại phiên họp toàn thể về chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, các đại biểu Quốc hội (ĐB) khẳng định đây là một chương trình quan trọng, song cho rằng hồ sơ còn thiếu nhiều nội dung làm cơ sở để đánh giá tính khả thi của chương trình.
Thẳng thắn cho rằng hồ sơ dự án chưa đáp ứng đúng quy định của Luật Đầu tư công, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu: “Đây không phải lần đầu tiên, chúng ta thiết kế chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, các chương trình trước đây không đạt hiệu quả mong muốn. Tôi thấy vẫn phân vân và áy náy. Hồ sơ này đã đảm bảo khả thi và đúng Luật Đầu tư công chưa?”.
Theo ĐB, nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia là đầu tư công, phải làm đúng theo Luật Đầu tư công, trừ khi Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép không thực hiện theo luật này hoặc quyết định sửa luật. “Tôi rất “dị ứng” với việc dùng nghị quyết để sửa luật. Tình hình có cấp bách thế không?”, ông Tạ Văn Hạ bình luận.
Quan tâm đến một nội dung cụ thể trong chương trình là việc xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nhận định, đây cũng không phải ý tưởng mới. ĐB nêu vấn đề: “Liệu có nguồn lực để duy trì hoạt động hay không, không khéo sẽ lại tồn tại lay lắt, hoặc “chết yểu”.
Nhiều ý kiến khác tại phiên họp cũng cho rằng, nếu không được tính toán thận trọng, kỹ lưỡng thì chương trình sẽ bị chồng lấn với các chương trình đã và đang được thực hiện. Thực tế, trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ kiến nghị chuyển dự án số 6 của chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào chương trình này.
Các chương trình, dự án liên quan trực tiếp đến phát triển văn hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa được bố trí kinh phí hoặc chưa có kế hoạch triển khai cụ thể trong giai đoạn 2026-2030 cũng sẽ được thực hiện thống nhất trong chương trình này. Tuy nhiên, mỗi chương trình, dự án có mục tiêu tổng thể và giai đoạn thực hiện khác nhau; việc điều chuyển và tích hợp nêu trên có thể gây khó khăn cho việc thực hiện cũng như đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong từng chương trình, dự án…
Đặc biệt, cơ chế quản lý, điều hành chương trình hiện đang được thiết kế với nhiều đầu mối chịu trách nhiệm hướng dẫn, triển khai thực hiện; nhiều văn bản hướng dẫn cần được ban hành.
Theo đó, có tới 21 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao những nhiệm vụ cụ thể; các bộ, cơ quan trung ương khác được giao một số nhiệm vụ chung. Trong đó, có nhiều nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.
Theo tờ trình của Chính phủ, để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, cần huy động nguồn lực khoảng 122.250 tỷ đồng cho giai đoạn 2025-2030, trong đó vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%).
Chương trình có đối tượng thụ hưởng rất lớn là: cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; không gian văn hóa công cộng, không gian văn hóa cộng đồng; các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; các cơ sở giáo dục, đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật...
Với quy mô và đối tượng thụ hưởng lớn như vậy, chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết.