Được người tiêu dùng lựa chọn
Tại siêu thị MM Mega Market (TP Thủ Đức, TPHCM), nhiều nông sản OCOP của các vùng miền đã đưa lên kệ, được người tiêu dùng lựa chọn, quan tâm hơn khi để cùng các quầy nông sản khác, như: mắm tôm Lê Gia (Thanh Hóa); gạo thơm của An Giang; trà, miến dong, mắm cá cơm, trà sen Tháp Mười; tắc sấy, vỏ bưởi sấy dẻo...
Theo bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại siêu thị MM Mega Market, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP ngày càng được ưa chuộng nên siêu thị quyết định đưa vào bán trong toàn bộ hệ thống. Đặc biệt, trong Tết Nhâm Dần sắp đến, siêu thị đã có kế hoạch bày bán đặc sản OCOP thật độc đáo để những khách hàng không về quê sum họp bên gia đình có thể mua sắm, thỏa nỗi nhớ quê nhà.
Không chỉ ở TPHCM, nhiều sản phẩm OCOP cũng đang được ưa chuộng ở rất nhiều tỉnh, thành. Điển hình như rượu vang thanh long của HTX thanh long Hàm Đức (Bình Thuận) đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Bà Lê Nguyện, Giám đốc HTX Thanh long Hàm Đức, cho biết, HTX thành lập từ năm 2016 với 17 xã viên. Khi đó, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX rất bấp bênh. Trong bối cảnh ấy, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận đã hướng dẫn HTX tham gia chương trình OCOP.
Không chỉ giúp HTX hoàn thiện chất lượng sản phẩm theo quy định, Sở NN-PTNT tỉnh còn giúp làm bao bì, nhãn mác hấp dẫn hơn. Hơn thế nữa, khi sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, còn được tỉnh giới thiệu tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. “Chính nhờ đạt chuẩn OCOP mà trung bình mỗi năm doanh thu của HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng và sản phẩm cũng đã xuất khẩu qua được nhiều nước”, bà Lê Nguyện nói.
Tại Long An, sản phẩm trà chùm ngây của Công ty Vườn Nhà Mình cũng đã được nhiều người tiêu dùng biết đến khi được công nhận đạt chuẩn OCOP. Ông Phạm Ngọc Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Vườn Nhà Mình, phấn khởi cho hay, ban đầu, sản phẩm bán rất chậm, nhưng khi được công nhận OCOP, được tham gia vào nhiều chương trình quảng bá sản phẩm, trà chùm ngây đã trở nên thân quen với người tiêu dùng. Từ thành công này, công ty đã quyết định mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 5ha.
Nhờ đạt tiêu chuẩn 5 sao của chương trình OCOP, các sản phẩm trà xanh, hồng trà của HTX chế biến chè Phìn Hồ (Hà Giang); miến dong Tài Hoan của HTX miến dong Tài Hoan (Bắc Kạn)… cũng không còn “ẩn dật” ở địa phương mà đã được nhiều trang thương mại điện tử có uy tín trên toàn quốc giới thiệu tới người tiêu dùng.
Kết hợp phát triển du lịch
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, những sản phẩm đặc trưng của thành phố như cá dứa, xoài Cần Giờ đang được làm hồ sơ tham gia chương trình OCOP. Là một đô thị lớn nên các sản phẩm nông nghiệp của thành phố không đa dạng và cũng khó có thể mở rộng về số lượng như nhiều tỉnh, thành khác, nhưng TPHCM đang xây dựng hướng đi riêng, đó là gắn chương trình OCOP với phát triển du lịch. Các sản phẩm OCOP sẽ được giới thiệu với du khách như là một trong những món quà độc đáo của TPHCM. Thậm chí, có thể phối hợp với ngành du lịch thành phố, các công ty lữ hành để “biến” những nơi sản xuất, trồng trọt các đặc sản OCOP thành những điểm đến tham quan cho du khách.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, phân tích, sản phẩm OCOP không những là các sản vật địa phương, mà còn chứa đựng trong đó văn hóa của từng vùng miền. Do đó, nếu làm tốt, không chỉ giúp phát triển kinh tế địa phương ở khía cạnh sản xuất, kinh doanh, mà còn giúp phát triển du lịch.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới Trung ương, trong thời gian tới, không chỉ dừng lại ở việc đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, hoặc bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại như hiện nay, mà Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng kênh thương mại điện tử dành riêng cho OCOP với đầy đủ các cơ sở dữ liệu, thông tin về sản phẩm, địa chỉ liên hệ… Việc tạo kênh thương mại riêng sẽ giúp sản phẩm OCOP tăng thêm vị thế trong bối cảnh thị trường, đặc biệt thị trường trong nước xuất hiện ngày càng nhiều nông sản nhập ngoại.
Đánh giá cao chương trình OCOP, nhưng theo nhiều chuyên gia, để sản phẩm OCOP phát triển mạnh mẽ hơn, đa dạng hơn, các địa phương có cùng thổ nhưỡng, khí hậu… nên phối hợp để hình thành các vùng sản xuất lớn với chất lượng được kiểm soát tốt và chi phí sản xuất được giảm thiểu tối đa. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để sản phẩm OCOP không chỉ phát triển mạnh ở thị trường trong nước mà còn có thể vươn xa hơn ra thị trường nước ngoài.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới Trung ương, cả nước có 2.846 chủ thể đã đăng ký kinh doanh và tổ chức sản xuất theo chương trình OCOP. Trong đó, sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao có 20 sản phẩm; 64 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao; 1.807 sản phẩm đạt 4 sao; 3.326 sản phẩm đạt 3 sao. Sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên tập trung vào 3 nhóm: thực phẩm 4.131, đồ uống 317, thảo dược 163… |