Xuyên suốt chương trình, khán giả sẽ cùng lắng nghe những trải lòng của các khách mời về những hoài niệm ký ức đặc biệt.
Ở đó, những câu chuyện đẹp được sẻ chia, ghi lại những cung bậc cảm xúc của khán giả và khách mời về cuộc hành trình hơn 20 năm tìm kiếm, khôi phục và lưu giữ các di tích, các kỷ vật của Biệt động Sài Gòn do ông Trần Vũ Bình (con trai của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai - tức Năm Lai, Mai Hồng Quế) thực hiện.
Những kỷ vật của một thời chiến tranh, khi tìm kiếm và được khôi phục lại, đã khiến bao trái tim đồng đội, người thân nhận ra sự quen thuộc yêu thương đã khiến lòng rưng rưng xúc động mãi không nguôi.
Ở đó, có câu chuyện thấm đẫm tình cảm, tình yêu, sự cảm phục và trân quý của NSƯT Hải Phượng dành cho mẹ là Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan - cô giáo chuyên ngành âm nhạc truyền thống, luôn chất đầy lòng nhiệt huyết, yêu nghề và giỏi nghề.
Cô đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc dân tộc, quảng bá và lan tỏa giá trị nghệ thuật độc đáo của tiếng đàn tranh quê hương trong cộng đồng, đến với nhiều thế hệ thiếu nhi, thanh thiếu niên TPHCM. Đặc biệt, tình yêu âm nhạc lớn lao của NGƯT Phạm Thúy Hoan đã trao truyền lại gần như trọn vẹn cho NSƯT Hải Phượng và con gái của chị.
Trong chương trình, “nữ hoàng nhạc rock” Ngọc Ánh cũng sẻ chia những cảm xúc của mình khi hát bài Điệp khúc tình yêu (của NS Trần Tiến). Bài hát khiến nữ ca sĩ nhớ về người anh trai đã hy sinh trên chiến trường Campuchia ác liệt khi anh mới 22 tuổi. Anh đã không về được với mẹ, với người tình thân yêu của anh. Anh đã mãi nằm lại nơi chiến trường Campuchia một thời khói lửa…