Chương trình liên kết đào tạo quốc tế kém dần sức hút

Trong hai năm gần đây, chương trình liên kết đào tạo quốc tế (liên kết giữa các trường đại học tại Việt Nam với các trường đại học nước ngoài) tại nhiều trường đại học (ĐH) liên tục tuyển không đủ chỉ tiêu, phải xét tuyển bổ sung, mặc dù điểm trúng tuyển thấp nhất so với các chương trình trong nước.

Tuyển không đủ, dừng đào tạo

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM liên kết đào tạo với ĐH Angelo State - ASU (Hoa Kỳ) theo hình thức 2+2 (2 năm đầu học tại Việt Nam, 2 năm sau học tại Hoa Kỳ) và do ASU cấp bằng. Theo đó, có 8 chương trình được tuyển sinh tại Việt Nam, gồm: Quản trị kinh doanh, Marketing, Kinh doanh quốc tế, Tài chính ngân hàng, Kế toán, Ngôn ngữ Anh, Khoa học máy tính, Quản lý tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, tình hình tuyển sinh rất khó khăn: năm 2023 tuyển được hơn 10 thí sinh; năm 2024 nhà trường quyết định ngừng tuyển sinh!

Y4b.jpg
Sinh viên chương trình cử nhân ĐH CY Cergy Paris (Pháp) liên kết với Trường ĐH Công nghệ TPHCM trong giờ học thực hành

Năm 2024, Trường ĐH Mở TPHCM có 13 chương trình liên kết đào tạo quốc tế với 2 trường ĐH ở Australia và 1 trường ở Pháp, nhưng chỉ tuyển được vài chục thí sinh, trong đó dừng tuyển sinh chương trình Ngành Thương mại quốc tế (liên kết với ĐH Rouen - Pháp). Riêng các chương trình liên kết với các trường ĐH Australia tiếp tục xét tuyển bổ sung dù điểm trúng tuyển thấp nhất trường (16 điểm). Nhà trường cho biết, tình hình tuyển sinh trong năm 2024 tiếp tục khó khăn.

Tương tự, tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, các chương trình liên kết với các trường ĐH của Anh, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản... cũng khó tuyển sinh. Năm 2023, nhiều chương trình chỉ tuyển được vài sinh viên.

Trong khi đó, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) có gần 30 chương trình liên kết theo nhiều hình thức, như 2+2 (2 năm học trong nước, 2 năm học ở nước ngoài); 3+1 (3 năm học trong nước, 1 năm học ở nước ngoài) và 4+0 (du học tại chỗ).

Tùy chương trình, sinh viên có 2-3 năm học tại Việt Nam, sau đó chuyển sang các trường đối tác ở Anh, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand để học tiếp và tốt nghiệp. Sinh viên được nhận bằng tốt nghiệp ĐH từ trường liên kết thuộc tốp 30 của Anh và Hoa Kỳ. Thế nhưng, từ năm 2022 đến nay, dù hàng năm trường có gần 1.500 chỉ tiêu cho các chương trình liên kết quốc tế nhưng chưa khi nào tuyển được 50% chỉ tiêu.

Ghi nhận tại nhiều trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM, Trường ĐH Công thương TPHCM... cho thấy, tình hình tuyển sinh nhiều chương trình liên kết đào tạo quốc tế cũng đang gặp khó, chưa năm nào tuyển đủ chỉ tiêu, có ngành phải dừng tuyển sinh.

Nhiều chương trình chưa được kiểm định

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến tháng 6-2024, cả nước có 62 cơ sở giáo dục ĐH có chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, với 369 chương trình. Trong đó, có 285 chương trình ở trình độ ĐH, 74 chương trình ở trình độ thạc sĩ và 10 chương trình ở trình độ tiến sĩ.

Trong 369 chương trình, xếp theo quốc gia thì Anh có 120 chương trình, Australia có 40, Hoa Kỳ có 34, Đức có 28, Pháp có 26, Hàn Quốc có 21 và Đài Loan (Trung Quốc) có 14, còn lại 86 chương trình thuộc các quốc gia khác. Phân theo lĩnh vực thì nhóm ngành kinh doanh, tài chính, kế toán, quản trị, quản lý chiếm 50%; nhóm ngành khoa học và công nghệ, nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, các ngành khác (như y khoa, dược, luật) chiếm 50%.

Theo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), hiện nay ở Việt Nam, chương trình liên kết đào tạo quốc tế có nhiều hình thức, và khi học chương trình quốc tế, tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc. Tuy nhiên, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tuyển sinh và tổ chức đào tạo các trình độ, điều đó đã dẫn đến 62,71% chương trình liên kết với các trường ĐH nước ngoài không được xếp hạng, đánh giá chất lượng, bị hạn chế trong chất lượng tuyển sinh đầu vào như năng lực ngoại ngữ, kết quả học bạ và điểm thi THPT tương đối thấp…

Nhìn từ thực tế của đơn vị đào tạo, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho rằng: Ngoài những nguyên nhân Bộ GD-ĐT đã nêu, thực tế còn có những nguyên nhân khác, như học phí chương trình liên kết quốc tế hiện cao hơn gấp đôi chương trình trong nước. Nếu học chuyển tiếp ở nước ngoài (chương trình 2+2, 3+1...) thì học phí thường cao hơn gấp 4,5 lần, thậm chí ở một số trường, học phí cao hơn gấp 10 lần so với học tại Việt Nam.

Ngoài ra, điều kiện ngoại ngữ (tiếng Anh) cũng là một trở ngại đối với người học. Đại diện nhiều trường ĐH còn chỉ ra nguyên nhân đáng buồn khác là theo Khoản 7, Điều 45 của Luật Giáo dục đại học năm 2018, cơ sở giáo dục ĐH phải thực hiện kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và kiểm định theo chu kỳ quy định. Tuy nhiên, hiện nay khá nhiều chương trình phải thuê mướn cơ sở vật chất để đào tạo, không đủ giảng viên. Đó là chưa nói đến việc nhiều trường liên kết với các chương trình của các trường nước ngoài còn thua cả một số chương trình trong nước.

Theo một đại diện của ĐH Quốc gia TPHCM, trước đây chỉ có một số trường ĐH lớn thực hiện liên kết đào tạo với các trường nước ngoài, và đối tác đều là những trường có uy tín, chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay, theo Luật Giáo dục Đại học 2018, các trường được tự chủ trong việc liên kết đào tạo với nước ngoài nên khó tránh khỏi tình trạng các trường ồ ạt mở ngành liên kết đào tạo quốc tế, dẫn đến khó đảm bảo chất lượng. Do đó, Bộ GD-ĐT cần có một cuộc tổng kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng (cơ sở vật chất, đội ngũ), đẩy mạnh kiểm định các chương trình liên kết. Những chương trình nào không đảm bảo chất lượng thì cần bị xử phạt và yêu cầu ngừng tuyển sinh.

Tin cùng chuyên mục