Chia sẻ về nguồn vốn, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV HFIC cho biết, sau gần 3 tháng kể từ khi quyết định 42 của UBND TPHCM ban hành về việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn TP, công ty đã triển khai phổ biến trực tiếp cho khoảng hơn 500 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực liên quan. Theo đó, hiện đang có nhiều doanh nghiệp đã hoàn tất hồ sơ vay vốn theo điều kiện yêu cầu. UBND TPHCM đã ghi vốn đầu tư công 1.500 tỷ đồng cho chương trình này.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thể giải ngân vốn vay nguyên nhân là do chưa thể thành lập được 2 tổ liên ngành theo chỉ đạo của UBND TP. HFIC đang tiếp nhận 5 hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp nhưng việc giải ngân vốn đầu tư công chưa thể thực hiện do phải chờ tổ liên ngành được thành lập.
Tại cuộc họp, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Công thương – hai đơn vị chủ trì thành lập tổ liên ngành cho biết đã lập xong danh sách thành viên tổ liên ngành và đang trình UBND TPHCM thông qua. Dự kiến tháng 10-2024 sẽ ra mắt tổ liên ngành, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình kích cầu đầu tư cũng như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Tại cuộc họp, ngay khi đại diện HFIC thông tin những lĩnh vực ngành nghề sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng được cho vay với lãi suất hỗ trợ, nhiều ý kiến doanh nghiệp cũng đã đặt ra. Theo đó, tập trung vào những thắc mắc liên quan đến tài sản thế chấp vốn vay, độ phức tạp của thủ tục hành chính và mức lãi suất vốn vay được hỗ trợ…
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc HFIC cho rằng, hiện quy trình vay vốn và hỗ trợ lãi suất vốn vay đã được minh bạch. Theo đó, doanh nghiệp vay vốn lập hồ sơ và gửi HFIC thẩm định. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, HFIC sẽ ra thông báo chấp nhận hồ sơ đủ điều kiện cho vay với mức lãi suất đề xuất rõ. Trên cơ sở này, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nộp hồ sơ cho tổ thẩm định (thuộc Sở KH-ĐT hoặc Sở Công thương) để được thẩm định và ra thông báo chấp thuận nếu thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách của chương trình. Đồng thời trình UBND TPHCM ra quyết định. Hoàn tất khâu này thì HFIC sẽ giải ngân vốn vay. Cuối cùng là doanh nghiệp nộp chứng từ đã giải ngân lãi vay cho HFIC để được Kho bạc hỗ trợ giải ngân lãi suất vay đã đóng cho HFIC trước đó.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng kinh tế TP Thủ Đức cho biết, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp trên địa bàn TP Thủ Đức rất lớn. Trong 9 tháng 2024, TP Thủ Đức có 5.129 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 40.000 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, có 67.118 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 860.408 tỷ đồng.
Để có thể hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, TP Thủ Đức đã tập trung triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND TPHCM, tạo điều kiện tiếp vốn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tổ chức các hội nghị gặp gỡ, tọa đàm, trao đổi trực tiếp với Hội Doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời những vướng mắc, khó khăn, cũng như tháo gỡ hoặc kiến nghị tháo gỡ các nội dung vượt thẩm quyền. Đặc biệt, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp là rất lớn, rất cần HFIC thúc đẩy nhanh giải ngân từ nguồn vốn vay ưu đãi để phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.