Chương trình bắt đầu triển khai từ ngày 22-11 đến hết ngày 12-12 nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương và thành phố về tăng cường biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.
Chương trình sẽ là điểm nhấn cho hoạt động kích cầu thương mại trong những tháng cuối năm 2020, là giai đoạn cộng đồng DN tập trung triển khai các hoạt động khuyến mãi theo xu hướng chung của thế giới và hưởng ứng “Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday” 4-12-2020.
Dịp này, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng giảm giá bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống để tạo hiệu ứng chung về kích cầu tiêu dùng trên địa bàn TPHCM.
Theo kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Tân Sửu 2021 trên địa bàn TPHCM của Sở Công thương, trong 2 tháng giáp tết, thành phố sẽ tăng cường thực hiện bán hàng lưu động tại các quận ven, huyện ngoại thành, KCX- KCN, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn tết.
Việc tổ chức các chuyến bán hàng lưu động tiếp tục giao cho 3 đơn vị tham gia bình ổn thị trường làm đầu mối thực hiện, gồm: Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op; Tổng công ty Thương mại Saigon - Satra và Công ty Ba Huân. Theo tính toán, mỗi tháng các đơn vị này sẽ tổ chức bình quân 150 chuyến, riêng 2 tháng cao điểm trước tết thực hiện 350 chuyến.
Các mặt hàng đưa đi bán lưu động là hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, hàng hóa đặc trưng mùa tết như bánh mứt, nước giải khác các loại. Giá bán sẽ thấp hơn so với mặt bằng giá hàng bình ổn khoảng 5% để hỗ trợ bà con mua sắm hàng tết.
Để triển khai kế hoạch tết, Sở Công thương phối hợp Sở GTVT giải quyết cấp giấy phép lưu thông 24/24 giờ cho xe tải DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường để cung ứng hàng hóa kịp thời đến các điểm bán.
Chủ trì, phối hợp UBND 24 quận huyện, lực lượng chuyên ngành cùng với trưởng ban quản lý các chợ truyền thống quán triệt tiểu thương, người kinh doanh cam kết 100% không kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc. Theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu; chủ động có phương án hoặc đề xuất với các bộ ngành có liên quan biện pháp nhằm ổn định thị trường.
Về mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường, tính đến nay tổng số điểm bán của 4 chương trình là 10.983 điểm. Riêng chương trình lương thực - thực phẩm có 4.209 điểm bán, gồm 112 siêu thị - trung tâm thương mại, 554 cửa hàng tiện lợi, 938 điểm bán trong 122 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư. Trong đó có 1.011 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành, 19 điểm bán phục vụ công nhân tại 11 KCN-KCX |