Chương trình hợp tác TPHCM - các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ: Khởi đầu đầy hứa hẹn

Ngày 11-10, Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ và triển khai kế hoạch giai đoạn 2024-2025 đã diễn ra tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Lãnh đạo UBND TPHCM và các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ tham quan các mô hình tiếp thị bán hàng thương mại điện tử
Lãnh đạo UBND TPHCM và các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ tham quan các mô hình tiếp thị bán hàng thương mại điện tử

Cùng nhau phát triển

Để thực hiện chương trình thỏa thuận hợp tác, năm qua, TPHCM đã đề ra 10 nội dung phối hợp cấp vùng, 11 nội dung phối hợp song phương và giao nhiệm vụ từng sở, ngành làm đầu mối thực hiện từng công việc, nhiệm vụ cụ thể. TPHCM cũng lập ra Tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND TPHCM làm tổ trưởng để triển khai hiệu quả. Nhờ vậy, sau 1 năm triển khai đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực, gồm: xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, nông nghiệp, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giao thông vận tải, giáo dục, y tế…

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đánh giá cao kết quả ban đầu của chương trình, đồng thời nêu ra các khó khăn, thách thức trong phát triển toàn vùng và bày tỏ mong muốn TPHCM tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các tỉnh hiện thực hóa khát vọng vươn lên. Ông đưa ra các đề xuất cụ thể, trong đó mong TPHCM tăng cường thêm các chuyến bay từ TPHCM đến các tỉnh, nhằm tạo điều kiện giảm không gian địa lý giữa TPHCM đến các tỉnh.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM và các tỉnh cũng đã nêu nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ những chương trình liên kết, hợp tác đầu tiên từ chương trình hợp tác. Ông Nguyễn Hữu Vinh, đại diện doanh nghiệp ở Bình Định, chia sẻ về mô hình sản xuất - kinh doanh bánh tráng Sachi OCOP (mỗi xã một sản phẩm) 4 sao. Đơn vị ông hiện đang xuất khẩu sản phẩm đến Mỹ, Canada, Đài Loan (Trung Quốc) và rất mong TPHCM tạo điều kiện để các doanh nghiệp tìm được liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ ở các hội chợ lớn mà thành phố tổ chức...

Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, thông tin, những kết nối, hợp tác giữa TPHCM với các tỉnh, thành phố thời gian qua đã đem đến cho địa phương nhiều dự án lớn. Trong đó, có 5 dự án về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Ninh Thuận đều đến từ TPHCM. TPHCM nên tiếp tục quan tâm giúp chuyển giao, hỗ trợ trao đổi kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và chia sẻ những dự án, doanh nghiệp trong lĩnh vực này đến vùng duyên hải Trung bộ.

Dịp này, Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã làm việc, gặp gỡ lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, đề xuất đầu tư mỗi tỉnh 1 trung tâm thương mại và tối thiểu 2 siêu thị tổng hợp. Công ty CP Bách hóa Xanh cũng đã gặp gỡ, làm việc với các sở, ngành ở Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên đề xuất đầu tư mỗi tỉnh 20 cửa hàng Bách hóa Xanh và phối hợp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững tại địa phương…

Đôi bên cùng có lợi

Tại hội nghị, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, đưa ra các nhóm kiến nghị các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ thực hiện, như: cần đẩy nhanh việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường ven biển để khai phá tiềm năng kinh tế biển; trên cơ sở đó, dựa vào vai trò đỡ đầu của TPHCM để tìm kiếm cơ hội đầu tư, thúc đẩy các dự án du lịch, kinh tế đô thị, kinh tế biển; trong lựa chọn xúc tiến đầu tư, các tỉnh cần cô đọng, chọn ra khoảng 10 dự án điểm nhấn để TPHCM cập nhật hỗ trợ; các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ cần tư duy phát triển du lịch theo vùng, hình thành các tuyến, tour liên vùng lấy TPHCM làm đầu mối, điều phối và dẫn dắt…

Về phía TPHCM, trong hỗ trợ các tỉnh xúc tiến đầu tư nên tổ chức các hội nghị thu hút đầu tư lớn mang tầm quốc tế để mời các tỉnh cùng tham gia, tìm kiếm các cơ hội đầu tư dòng vốn FDI; TPHCM nên cơ cấu lại các dự án và doanh nghiệp, lựa chọn giữ lại những công đoạn sản xuất kinh doanh sâu có giá trị cao, và nên san sẻ để các doanh nghiệp mở rộng dự án, nhà máy đến các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ. Điều này cũng giúp mở rộng hệ sinh thái và không gian phát triển của doanh nghiệp TPHCM. Từ hợp tác này, TPHCM có thể tạo ra mẫu hình để xây dựng hệ sinh thái chung về pháp lý, môi trường đầu tư công nghiệp điển hình xanh ở Việt Nam để thu hút vốn đầu tư của thế giới…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải đánh giá, sau 1 năm triển khai thỏa thuận hợp tác, TPHCM và các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ đã đạt được nhiều mục tiêu, kết quả tích cực. Trong đó, các bên đã chủ động ban hành ngay và triển khai, cụ thể hóa kế hoạch trong ký kết. Chương trình đã tạo được hiệu ứng tích cực, lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nhanh với khoa học - công nghệ để quản lý, sản xuất - kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường...

Thời gian tới, TPHCM đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, đồng lòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ các sở, ngành của thành phố để tập trung triển khai thực hiện tốt chương trình giai đoạn 2024-2025 với 11 sự kiện cấp vùng, 11 nội dung hợp tác song phương. Trong đó, tập trung, thúc đẩy hoạt động xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch; hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu; liên kết phát triển lĩnh vực du lịch; hỗ trợ phát triển y tế; phát triển giáo dục - đào tạo. Đề nghị các địa phương quan tâm, tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp TPHCM, vì đây là lực lượng triển khai hiệu quả nhất những nội dung liên kết, hợp tác. Sở Công thương và các sở, ngành TPHCM phải phát huy tinh thần chủ động, tập trung và nghiên cứu, bổ sung những giải pháp, cách làm hiệu quả, ý nghĩa cho chương trình hợp tác đạt kết quả tốt nhất…

Tin cùng chuyên mục