Các khách mời, gồm: diễn viên Trương Ngọc Ánh, nhà thiết kế Sĩ Hoàng và ca sĩ Ngọc Linh đã có những chia sẻ thân tình trong vai trò đại sứ “Thắp lửa tri thức” tại chương trình giao lưu “Cuốn sách - Cuộc đời” vào tối 17-5 tại Đường sách TPHCM.
Trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến Quốc gia 2022 trên sàn Book365.vn (kéo dài đến hết ngày 20-5), bên cạnh các chương trình trợ giá sách lên đến 80% và miễn phí vận chuyển toàn quốc, hay sân chơi “Cuộc thi nhà thông thái”, điểm nhấn của hội sách năm nay là chuỗi sự kiện “Cuốn sách - Cuộc đời”, với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng trong vai trò đại sứ.
Các khách mời tại chương trình. Từ trái qua: ca sĩ Ngọc Linh, NTK Sĩ Hoàng, MC Xuân Huy và diễn viên Trương Ngọc Ánh
Tại chương trình, diễn viên Trương Ngọc Ánh cho biết, trong hành trình cuộc đời có rất nhiều giai đoạn mang tính chuyển biến, mỗi giai đoạn có một cuốn sách mà khi đọc giúp mình nhận ra nhiều điều và giúp mình trải qua những biến cố đó. Theo đó, có 5 cuốn sách mà diễn viên của phim "Hương ga" tâm đắc nhất, đã giúp chị bước qua những khó khăn, thăng trầm trong cuộc sống, gồm: Đắc nhân tâm, Đường xưa mây trắng, Nhà giả kim, Quẳng gánh lo đi và vui sống và cuốn sách gần đây là Muôn kiếp nhân sinh.
Đông đảo bạn đọc đã tham dự và lắng nghe các đại sứ chia sẻ về tình yêu dành cho sách
Còn ca sĩ Ngọc Linh chia sẻ rằng, chị biết chữ từ năm 4 tuổi. Và đó cũng là lúc chị bắt đầu đọc sách. Cuốn sách đầu tiên chị đọc là Ông lão đánh cá và con cá vàng của nhà thơ Puskin. Đọc xong chị có thắc mắc với mẹ: “Sao bà vợ này tham quá vậy? Bà cứ đòi cái này cái kia”. Nhưng vì còn nhỏ nên thắc mắc xong rồi để ở đó. Cho đến khi lớn lên, đủ nhận thức để nhìn lại câu chuyện đầu đời mình đọc, ca sĩ Ngọc Linh mới nghiệm ra: “Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta phải biết bằng lòng với hiện tại, chấp nhận với hạnh phúc mà mình đang có. Mình phải biết trân quý những gì ở hiện tại”.
Cuốn sách đọc gần đây có ảnh hưởng đến ca sĩ Ngọc Linh là Nhà giả kim của nhà văn Paulo Coelho. Theo chia sẻ của ca sĩ Ngọc Linh, cuốn sách này chị được một người bạn tặng từ năm 2019 nhưng chưa có động lực để đọc. Thậm chí, ban đầu chị còn thấy cái tên sách có vẻ khô khan, không hấp dẫn. Nhưng rồi trong thời gian thực hiện giãn cách, vì buồn quá nên chị đã tìm đọc cuốn sách này.
Một bạn đọc đặt câu hỏi cho khách mời tại chương trình
Chị bày tỏ: “Đọc xong cuốn sách đó, tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó cho bản thân và cho xã hội, đặc biệt là cho TPHCM lúc đó đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Đó chính là lý do thời điểm đó tôi đăng ký đi làm tình nguyện viên trong 7 tháng. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì những gì cuốn sách mang lại cho mình, nhất là hướng mình đến những điều tích cực và lạc quan trong cuộc sống”.
Với NTK Sĩ Hoàng, cuốn sách đầu tiên mà anh đọc là Đắc nhân tâm vào năm 1975, lúc đó anh vừa 13 tuổi. Đó là cuốn sách đã mất bìa, được anh mua lại từ một người đi mua đồng nát. Anh kể: “Trong một lần tình cờ, khi ngồi trước cửa nhà và trông thấy một chị bán đồng nát đi ngang qua, bên trong giỏ có cuốn Đắc nhân tâm đã mất bìa, và tôi xin mua lại. Đó là lần đầu tiên, ở độ tuổi từ thiếu niên chuẩn bị lên thanh niên, tôi được đọc một cuốn sách hay như thế. Cuốn sách đó trở thành một cuốn sách định hướng cả cuộc đời tôi cho đến bây giờ”.
NTK Sĩ Hoàng giới thiệu đến độc giả cuốn nhật ký được anh viết vào năm 17 tuổi với thông điệp: ngoài những cuốn sách do các nhà văn viết, mỗi người đểu có thể tự viết cuốn sách cho riêng mình
Ngoài Đắc nhân tâm, hai tác phẩm mà NTK Sĩ Hoàng đọc gần đây và mong muốn được giới thiệu đến bạn đọc là tập truyện ngắn Đường đến cây Cô đơn của nhà văn Bích Ngân và tập thơ Ghi chép sau mây của nhà thơ Hữu Thỉnh. Với tập truyện của nhà văn Bích Ngân, NTK Sĩ Hoàng cho rằng, cô đơn ai cũng có, và người ta thường hay cảm thán về chuyện mình là người cô đơn. “Nhưng thực ra, với những người làm nghệ thuật đều cảm thấy cô đơn cũng chính là một giá trị để chúng ta có thể sáng tạo. Những truyện ngắn nói về nỗi cô đơn tuyệt hay, giúp chúng ta có một cái nhìn rất thú vị”, anh chiêm nghiệm.
Giống như tập truyện của nhà văn Bích Ngân, tập thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh cũng gây cho NTK Sĩ Hoàng cảm giác rung động. Anh bộc bạch, có nhiều bài thơ đọc xong khiến anh không thể ngủ. Bởi nó ẩn sâu nhiều tầng lớp, càng đọc đi đọc lại càng thấm, cảm thấy như mình ở trong đó hoặc nói thay cho mình về vấn đề nhân sinh, về cuộc sống. “Ngoài ra, qua tập thơ, chúng ta có thể thấy tại sao nhà thơ lại chọn ra những chữ để xếp ra được những câu thơ rất ngắn gọn mà có thể bao hàm được ý nghĩa cuộc đời”, NTK Sĩ Hoàng nói thêm.