Theo đó, dự kiến đề nghị điều chỉnh thời điểm bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2019 - 2020 để có thêm thời gian chuẩn bị cho công tác biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học và hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; huy động nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, góp phần thực hiện tốt chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa.
Về quy hoạch mạng lưới trường lớp, ở bậc học phổ thông, tại hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 đối với giáo dục trung học vừa diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước mắt chưa có nhiều biến động. Nhưng những năm học tiếp theo, khi đưa chương trình GDPT mới vào triển khai sẽ có nhiều biến động trong quy mô, mạng lưới.
Về phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, với chương trình mới, khi mục tiêu giáo dục thay đổi, phương pháp dạy học thay đổi, năng lực đội ngũ cũng phải thay đổi theo để đáp ứng.
Hiện Bộ GD-ĐT đang xây dựng các bộ chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng, chuẩn cán bộ quản lý cấp phòng GD-ĐT và cấp sở. Các bộ chuẩn này sẽ là những tiêu chuẩn cụ thể, có tính định lượng, đo đếm được, chương trình bồi dưỡng có thể tự học được; các thầy, cô sẽ phải tự soi vào đấy để tự học và đạt chuẩn.
Hàng năm sẽ có kế hoạch sàng lọc giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn, quy chuẩn; địa phương sẽ đưa ra tiêu chuẩn cụ thể ở từng vị trí cụ thể để xây dựng kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên.
Về công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, Bộ GD-ĐT sẽ giao cho các trường sư phạm, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thiết kế nội dung, chương trình bồi dưỡng; phối hợp chặt chẽ với các sở GD-ĐT làm việc này một cách khoa học.
Nội dung tập huấn mới phải dễ hiểu, dễ tiếp thu để giáo viên dễ tham gia, có thể vừa đảm bảo thời gian đứng lớp, giảng dạy vừa tham gia khóa bồi dưỡng, tập huấn.