Tìm thấy chỗ níu giữ
Từ bên kia đầu dây, giọng thai phụ Mai Thị Nga (37 tuổi, ngụ phường 7, quận Bình Thạnh, TPHCM) nói chuyện vẫn còn đứt quãng, hụt hơi. Chị kể, từ 11-8 có kết quả dương tính khi đang mang thai, hai vợ chồng lo lắm bởi đi cách ly hay vô bệnh viện (BV) rất khó khăn. Vậy là hai vợ chồng quyết định điều trị tại nhà. Tới 25-8 đã âm tính nhưng theo chị Mai, tới giờ chưa hoàn toàn khoẻ hẳn, vẫn còn hụt hơi, phải tập thở.
Trong cuộc kết nối kèm nhiều tiếng ho từ phía bên kia đầu dây, thai phụ Bùi Thị Bé Thanh (34 tuổi, ở trọ huyện Bình Chánh) cho biết đang mắc Covid-19, nằm điều trị ở BV Hùng Vương. Chị kể, sáng 12-9 bác sĩ đã hướng dẫn tập thở dần chứ mấy ngày trước còn thở oxy. Đang tập thở là vậy, được người bạn gửi thông tin chương trình “Đồng hành vượt cạn”, chị Thanh mừng quá gọi đến đường dây nóng đăng ký liền. Nói qua hành trình vất vả vừa rồi, giọng chị chùn xuống: “Cả hai vợ chồng mắc Covid-19 từ 2-9, đều vào BV Dã chiến số 13 điều trị. Chị có thai, sốt cao nhiều ngày nên chuyển về BV Hùng Vương, chồng vẫn ở lại. Lúc mình qua đây trong người còn đúng 3 triệu đồng lận lưng. Tiền tạm ứng phải đóng 7 triệu đồng nhưng không đủ nên chỉ mới đóng xét nghiệm 1,7 triệu đồng, tạm ứng thêm 1 triệu đồng nữa giờ còn đúng 300.000 đồng. Sắp tới chưa biết tính sao”.
Cũng mắc Covid-19 khi mang thai ở tuần 28, Mai Thị Ngọc Châu (21 tuổi, ngụ phường Phước Long B, TP Thủ Đức) bày tỏ nhiều trăn trở. Không phải mình Châu mà cả gia đình 4 người đều phải đi điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 11 (TP Thủ Đức). Cả nhà mới được về phòng trọ 2 ngày nay thôi, đang cách ly tiếp 14 ngày. “Trước dịch, em phụ bán hàng, chồng chạy xe ôm công nghệ, dịch nên thất nghiệp 4 tháng nay. Gần 2 tháng nay em không đi khám thai và cũng chưa có tiền chuẩn bị gì cho ngày dự sanh. Bác chủ trọ đọc báo thấy chương trình giúp đỡ bà bầu nên tất tả gọi thông báo cho em. Em có đọc qua chương trình, thấy đã có người được hỗ trợ nên cũng hy vọng khi đăng ký. Một chút ít nhiều gì thời điểm này đều quý giá”, Châu nói.
Kịp thời và ý nghĩa
“Em T.P. - chồng thai phụ P.T.T.T. (quê Lâm Đồng, mang thai 30 tuần tuổi). Do dịch bệnh em thất nghiệp, phòng trọ cũng bị phong tỏa. Mong quý báo hướng dẫn cách tham gia chương trình “Đồng hành vượt cạn”; “Cho em hỏi muốn đăng ký nhận hỗ trợ thai phụ đăng ký bằng cách nào ạ?; “Em mong được quý báo hỗ trợ, em bầu 38 tuần. Tụi em là lao động xa nhà, ở thuê…”. Sau khi chương trình “Đồng hành vượt cạn” được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã có hàng trăm lượt bạn đọc là thai phụ hoặc người thân thai phụ gọi điện, nhắn tin hỏi thăm, đăng ký qua đường dây nóng và Fanpage Báo SGGP Online như thế.
Thai phụ Mai Thị Nga cho rằng đây là chương trình ý nghĩa, vừa nghe thông tin phải đăng ký ngay. “Chương trình này nghe ai cũng mừng lắm luôn. Giờ đang trong hoàn cảnh trăm bề vất vả, người bình thường khó đến mấy vẫn có thể ăn gì cũng được nhưng người bầu bì lại khác. Không có ăn, ăn không đủ chất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến em bé trong bụng. Chương trình mở ra lúc này hết sức kịp lúc, đáp ứng nhu cầu cần thiết của thai phụ”, chị Nga cảm kích chia sẻ.
Ngay sau khi chương trình “Đồng hành vượt cạn” khởi động, các chi hội phụ nữ, tổ dân phố nhiều nơi trên địa bàn thành phố triển khai nhanh chóng giới thiệu chương trình này cho các thai phụ ở địa phương. Bà Đoàn Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 3, cho biết hiện đã nhận được hồ sơ đề xuất của nhiều trường hợp thai phụ, dù chỉ mới 2 ngày chương trình phát động.
Bà Cẩm Tú chia sẻ: “Thực sự đối với quận 3 nói riêng và thành phố nói chung chương trình này ra đời rất kịp thời tiếp sức cho phụ nữ mang thai. Họ rất lo lắng, lo về kinh tế, lo vấn đề di chuyển khi đi sinh. Bởi vậy, nghe chương trình này ai ai cũng trân quý. Không riêng gì các chị bầu đâu, tất cả mọi người hay ngay các cô chi hội trưởng phụ nữ, tổ dân phố dưới cơ sở, nghe nội dung chương trình liền triển khai thông báo cho các bà bầu nơi mình sống liền. Các cô rất mừng, vì đã có đơn vị nhìn thấy được nỗi lo của các thai phụ. Và địa phương, cơ sở có thêm kinh phí hỗ trợ cho các bà bầu”.
Theo bà Cẩm Tú, thực ra, trước giờ địa phương vẫn có hỗ trợ nhưng chỉ giúp được một số hộ gia đình quá khó khăn thôi chứ không thể bao quát được hết nên khi có nmột chương trình thực sự lớn, quy mô như “Đồng hành vượt cạn” là rất cần thiết. “Rất mong chương trình lan toả sâu các địa bàn dân cư để ai cũng biết, bà bầu nào cũng hay và những người khó khăn thực sự sẽ được tiếp sức. Người ta có thêm một điểm tựa, một động lực để vững lòng mà vượt cạn”, bà Tú bày tỏ.
Không thể nói hết cảm xúc của những người đang trực Đường dây nóng củA Báo SGGP, hay những người đang tiếp nhận thông tin từ Fanpage Báo SGGP, bởi những hoàn cảnh chia sẻ về phần lớn là phụ nữ đang mang thai chịu quá nhiều thiệt thòi. Hành trình mang nặng đẻ đau, làm mẹ của các chị, các em quá đỗi khó khăn khi cùng lúc phải chống chọi với dịch bệnh. Và “Đồng hành vượt cạn” chắc chắn là cầu nối những tấm lòng sẻ chia bền lâu những ngày khó khăn này.
Để thuận lợi cho việc hỗ trợ, đồng hành với thai phụ, các trường hợp cần giúp đỡ xin đăng ký qua các địa chỉ sau: Hội Phụ nữ địa phương nơi sinh sống; Hội Hộ sinh TPHCM, Đường dây nóng báo SGGP 0908033044. |