Người nghèo chưa hưởng lợi
Mobile Money được Viettel, VNPT và MobiFone triển khai thử nghiệm từ tháng 11-2021. Để sử dụng Mobile Money, chủ thuê bao cần đáp ứng yêu cầu sở hữu SIM chính chủ và dùng dịch vụ viễn thông liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề. Với những đặc trưng của nó, khi thí điểm Mobile Money, các cơ quan quản lý nhà nước không giấu tham vọng đây sẽ là dịch vụ được phủ rộng khắp, người dân dễ dàng tiếp cận một dịch vụ tài chính tiện dụng.
“Với thực tế Việt Nam, hệ thống ngân hàng rộng khắp, cùng các ứng dụng Internet Banking hay ví điện tử dễ dàng sử dụng thì Mobile Money chỉ là lựa chọn phụ. Thậm chí, nhiều khi không cần xài chương trình này”, ông Thành Tài ở xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ (TPHCM) cho biết. Trong khi đó, theo phân tích của một số chuyên gia, ở nhiều nước kém phát triển, nơi người dân chưa tiếp cận rộng dịch vụ tài chính số thì Mobile Money là một lựa chọn tốt, song ở Việt Nam, Mobile Money khó được như kỳ vọng.
Tương tự là “số phận” chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người nghèo. Trước đó, với mục đích rất nhân văn, Sở TT-TT TPHCM đề xuất phối hợp với Sở LĐTB-XH rà soát, trang bị điện thoại thông minh cho 50%-70% người nghèo chưa có điện thoại thông minh trong năm 2022 để phục vụ các tiện ích cuộc sống. Nhiều người nghèo khi được hỏi đều rất háo hức với chương trình. Thế nhưng, cho đến nay, Sở TT-TT mới chỉ tổ chức tổng hợp thông tin của các địa phương có nhu cầu, còn việc trang bị, hướng dẫn bà con dùng smartphone như một phương tiện để tham gia các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, hay dùng các ứng dụng khác kết nối với chính quyền số, xã hội số thì vẫn im lìm!
Theo một nhà kinh doanh thiết bị di động lớn tại TPHCM, đây là chương trình thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người nghèo, song cần triển khai bài bản hơn. “TPHCM dư tiềm lực để triển khai chương trình này, nhưng tôi nghĩ rằng, thành phố nên kết hợp cùng nhà mạng triển khai vì qua đó, người được nhận máy còn thể hiện một phần trách nhiệm giữ gìn và sử dụng nó cho đúng mục đích”, người này góp ý thêm.
Vẫn đang… thử nghiệm
Từ năm 2020-2021, các nhà mạng lớn trong nước như Viettel, VinaPhone, MobiFone đã tranh nhau thử nghiệm 5G tại 16 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Thái Nguyên, Cần Thơ, Bình Dương, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu… Và đến nay vẫn còn thử nghiệm!
Đặt câu hỏi khi nào thương mại hóa chính thức 5G thì các nhà mạng đều không có câu trả lời cụ thể, tất cả vẫn còn đang trong kế hoạch. Riêng việc thử nghiệm 5G tại TPHCM, trước đó các nhà mạng cũng chạy đua quyết liệt với hàng loạt chương trình giới thiệu, trình diễn. Cụ thể, vào cuối tháng 12-2020, Viettel rầm rộ phát sóng thử nghiệm mạng 5G tại TP Thủ Đức với kỳ vọng công nghệ mới này sẽ được ứng dụng tốt ở khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Nhưng theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, đến nay vẫn chưa có những chương trình ứng dụng 5G vào đời sống xã hội và hơn hết vẫn phải chờ băng tầng chính thức của mạng 5G mới có các kế hoạch ứng dụng được.
Đại diện một nhà mạng cho hay, chi phí đầu tư 5G không hề nhỏ, nhưng nhu cầu người dùng còn rất thấp; chương trình phủ sóng 5G còn tùy thuộc vào nhu cầu ứng dụng của địa phương, khiến các nhà mạng càng cẩn trọng khi triển khai. Càng “khó nói” khi hiện nay, không ít tỉnh thành chưa có 5G kiến nghị nhà mạng phát sóng 5G tại tỉnh mình, nhưng khi nhà mạng đặt vấn đề ứng dụng 5G cụ thể vào lĩnh vực nào thì nội dung đưa ra đều không thuyết phục.
Được trông đợi rất lớn, nhưng thực tế, các chương trình nói trên đã thể hiện rõ sự hụt hơi. Trong khi đó, với TPHCM, một trong những nhiệm vụ của năm 2022 là phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng băng rộng di động 4G, 5G và triển khai các hoạt động để hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn tham gia chuyển đổi số và sử dụng các dịch vụ số… thì việc nhanh chóng triển khai và triển khai một cách có hệ thống, quyết liệt các chương trình nói trên là điều rất cần thiết.