Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt này được dàn dựng theo ý tưởng Kịch nghệ - Ngọn lửa tình yêu giữa Sài thành hoa lệ, với mong muốn đem đến cho khán giả TPHCM những khoảnh khắc thưởng thức kịch Hà Nội đậm chất, dí dỏm, vui tươi, nhiều cung bậc cảm xúc; qua đó cũng gửi gắm những ẩn ý về lối sống, tư tưởng, quan điểm của các tác giả về những biến chuyển của thời đại, cách ứng xử của con người trong cộng đồng, xã hội, được thể hiện trong từng câu chuyện kịch, lời thoại, vai diễn và tính cách các nhân vật.
Vở kịch Tấm Cám (kịch bản phóng tác của nhà văn Nguyễn Hiếu, đạo diễn: Chua Soo Pong), câu chuyện được đạo diễn người Singapore – Chua Soo Pong dàn dựng có một vài điểm khác lạ hơn so với các bản dựng của đạo diễn Việt Nam như: không có cảnh tàn bạo, bạo lực, thay nhân vật Bụt là hình ảnh mẹ Tấm… Bản dựng này được chú trọng thực hiện với nhiều thủ pháp mới nhằm đem đến cho khán giả nhỏ tuổi sự trải nghiệm thú vị cùng những điều bất ngờ, đặc biệt là cái kết câu chuyện diễn ra nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn.
Vở kịch Thị Nở và Chí Phèo (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Lê Hùng) không phải là vở kịch minh họa hay kể lại câu chuyện Chí Phèo như trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao, vở được dàn dựng với những phá cách mới, xây dựng hình ảnh hai nhân vật chính là Thị Nở và Chí Phèo trở nên gần gũi, mang hơi thở của đời sống đương đại. In đậm dấu ấn cho kịch bản này còn là cách xây dựng những tình tiết câu chuyện đầy kịch tính, lột tả một giai đoạn lịch sử mà sự nghèo khó, cùng với những áp bức bóc lột của cường hào, ác bá, đã đẩy một đứa trẻ thơ không cha không mẹ trở thành một kẻ khốn cùng, rồi dần tha hóa nhân cách. Ngay đến nỗi lòng khát khao được hoàn lương, được sống như một con người cũng bị cự tuyệt.
Sự tích Bà Chúa Ba (tác giả: Lệ Dung, đạo diễn NSND Lê Hùng) là vở kịch về đề tài lịch sử tâm linh, vừa được dàn dựng vào tháng 10-2020. Vở được dựng theo huyền tích về Bà chúa Ba ở Chùa Hương, Hà Nội, với mong muốn gửi đến khán giả thông điệp về sự hướng thiện, lòng nhân ái trong cuộc sống, khuyên con người sống chan hòa, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời vở diễn cũng hướng đến ca ngợi vẻ đẹp của đức hy sinh, tấm lòng nhân hậu, vị tha của người phụ nữ Việt Nam. Tác phẩm mang màu sắc cổ điển và hiện đại, có sự kết hợp nhuần nhuyễn thủ pháp ước lệ gắn liền với phương thức diễn kịch hình thể.
Các vở kịch sẽ được lần lượt trình diễn phục vụ khán giả TPHCM từ ngày 26-11 đến 6-12-2020, tại Nhà hát Thành phố.