Trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp đến nay, bà Merkel nổi tiếng vì lập trường giữ vững chính sách cứng rắn trước mọi sức ép, tăng cường củng cố quan hệ với các nước lớn nhằm duy trì vị thế lớn mạnh của Đức trên trường quốc tế, nhưng vẫn mềm dẻo trong chính sách thuận theo lòng dân. Tuy nhiên, ở nhiệm kỳ thứ 4 này, nữ Thủ tướng Đức sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới.
Bà Angela Merkel tái đắc cử chức Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội ngày 14-3, có tới 35 nghị sĩ các đảng trong liên minh cầm quyền bỏ phiếu phản đối việc bổ nhiệm bà Merkel, cho thấy nữ Thủ tướng Đức sẽ phải tính tới khả năng xử lý hài hòa lợi ích giữa các đảng góp mặt trong chính phủ mới, bên cạnh sự trỗi dậy của đảng dân túy cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), hiện là đảng lớn thứ 3 trong Quốc hội liên bang Đức. Nếu không nhận được sự đồng thuận cao trong liên minh cầm quyền, các quyết sách hướng tới mục tiêu bảo đảm mọi người dân đều được hưởng lợi từ sự thịnh vượng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đối phó với các vấn đề kinh tế, an ninh chính trị cũng như vấn đề nhập cư sẽ trì trệ, gây ra sự xáo trộn không mong muốn trong nội bộ chính trường Đức.
Bà Merkel nhậm chức vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump đang quyết tâm đẩy mạnh “cuộc chiến tranh thương mại” đối với các nước châu Âu, trong đó Đức. Nhà lãnh đạo Mỹ đã đe dọa áp thuế với các hãng ô tô Đức nếu Liên minh châu Âu (EU) không từ bỏ những hàng rào thương mại và thuế quan đối với các sản phẩm của Mỹ. Việc Mỹ đánh thuế các mặt hàng ô tô của Đức sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu này, vì Mỹ là một trong những thị trường chính của các nhà sản xuất ô tô Đức cũng như các mặt hàng phụ tùng, nguồn thu nhập từ xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Đức. Năm 2017, kinh tế Đức tăng trưởng với tốc độ 2,2%. Dựa vào những dự đoán hiện tại, chính phủ mới đặt kỳ vọng GDP năm 2018 sẽ tăng 2,4%. Vì lý do này, Chính phủ Đức tập trung vào việc duy trì một mô hình kinh tế thiên về xuất khẩu và chính sách áp thuế mới của Chính phủ Mỹ rõ ràng là một bất lợi. Có tiếng nói quan trọng hàng đầu tại châu Âu, nhà lãnh đạo nước Đức sẽ phải làm gì để không đẩy cuộc chiến thương mại này leo thang hẳn sẽ là một bài toán khó. Thủ tướng Merkel tái đắc cử cũng làm châu Âu thở phào bởi lục địa già đang đối mặt với có nhiều ý kiến chống lại sự hội nhập EU. Một nước Đức dưới sự lãnh đạo của bà Merkel, vốn luôn ủng hộ tiến trình hội nhập cùng với Pháp, sẽ giúp đẩy nhanh các cuộc cải cách mang tính quyết định của EU trong bối cảnh các nền chính trị nội khối đang có nhiều thay đổi không lường trước. Thế bế tắc chính trị trong thời gian qua của cường quốc kinh tế hàng đầu châu lục đã làm đình trệ nhiều dự án cải tổ quan trọng của khối. Với các thách thức kể trên, rõ ràng sẽ không có tuần trăng mật nào dành cho bà Merkel sau khi tái đắc cử mà thay vào đó sẽ là chuỗi ngày bận rộn tìm các giải pháp tối ưu nhất mới hòng đạt được những mục tiêu cải cách đã đề ra trước đó.