Thầy Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định, dạy học qua Internet còn nhiều hạn chế nhưng là phương án phù hợp trong giai đoạn hiện nay, dù chưa phải tốt nhất.
Trong bối cảnh dạy học qua Internet có thể kéo dài, ngành giáo dục đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời xác định đây là một trong những cách chia sẻ khó khăn chung của xã hội. Đại diện Sở GD-ĐT nhấn mạnh, dạy học không nhằm chạy theo tiến độ chương trình mà để đảm bảo quá trình dạy học liên tục cho học sinh. Theo đó, dạy học qua Internet là chuỗi kết hợp nhiều hoạt động, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh chứ không chỉ dạy học qua hình thức livestream.
Ở góc độ khác, theo cô Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, phương pháp dạy học này cần sự đồng hành, hỗ trợ rất lớn của phụ huynh. Trường học cần trao đổi với cha mẹ học sinh về chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, cách thức tổ chức lớp để thống nhất phương pháp học tập cho học sinh.
Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, chuẩn bị phương tiện dạy học trực tuyến hiện nay đang là thách thức không nhỏ đối với phụ huynh, học sinh. Bên cạnh đó, do là môi trường học tập có tính chất tương tác một chiều, học sinh đa phần thụ động quan sát, lắng nghe nên sự tập trung chú ý của các em phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên. Với việc phải học tập trong không gian hẹp là gia đình, vào cùng thời điểm con cái và ba mẹ đều làm việc online nên khó tránh những khó khăn về đường truyền và thiết bị, điều kiện học tập. Vì vậy, để triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả, đòi hỏi phải có kho học liệu đa dạng, phong phú, bám sát chương trình để hỗ trợ giáo viên thiết kế bài giảng và cha mẹ đồng hành với con...
Tới đây, ngành giáo dục thành phố sẽ phối hợp với các hệ thống ngân hàng, đơn vị viễn thông triển khai chương trình hỗ trợ máy tính cho học sinh. Trước mắt, phụ huynh cần tạo thói quen, nề nếp học tập cho con ngay từ giai đoạn đầu năm học, hướng dẫn con có kế hoạch học tập phù hợp nhưng không nên tạo áp lực, giúp trẻ dần hình thành kỹ năng tự học, kỹ năng thao tác trên máy tính để đảm bảo quá trình học tập lâu dài.