Ngày 27-7, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã họp triển khai công tác phòng chống dịch dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tại cuộc họp, báo cáo về kết quả điều tra dịch tễ dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng gần đây, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các trường hợp mắc bệnh đều liên quan đến 3 cơ sở: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình, 3 bệnh viện này nằm chung trên 1 khu đất.
Đáng lưu ý, kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam (trước đây Việt Nam đã phát hiện ra 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau). Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận nhưng chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước.
GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Đà Nẵng, cử những chuyên gia giỏi nhất vào địa phương để triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Đồng thời tổng rà soát nhằm tìm ra nguồn lây sớm nhất và tổ chức điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
Về việc phong toả cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, sẽ áp dụng giống như Bệnh viện Bạch Mai trước đây. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa nhất về nguồn lực để cùng với địa phương tổ chức hiệu quả cách ly, truy vết, điều trị, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề xuất giải pháp để triển khai các biện pháp xét nghiệm phù hợp với từng khu vực để nâng cao hiệu quả tầm soát; tổ chức phân tuyến cơ sở khám chữa bệnh để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân; tổ chức công tác bảo đảm hậu cần phục vụ khu vực phong tỏa.
Thông tin về tình hình sức khỏe của 2 bệnh nhân nặng ở Đà Nẵng (bệnh nhân thứ 416 và 418), GS.TS Nguyễn Thanh Long nêu rõ, đến thời điểm này, đây là 2 bệnh nhân Covid-19 nặng nhất trong tổng số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước ta.
Trong đó, bệnh nhân 416 nhập viện Bệnh viện C Đà Nẵng từ ngày 20 đến sáng 24-7 với chẩn đoán viêm phổi. Sáng 24-7, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng với chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp do nhiễm SARS-CoV 2, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn. Sau đó, tình trạng bệnh của bệnh nhân diễn biến tăng nặng rất nhanh, phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu liên tục, thở máy hỗ trợ. Hiện nay, bệnh nhân vẫn còn sốt nhẹ, các chỉ số và chức năng trong phạm vi kiểm soát, nhưng tiên lượng rất nặng, khả năng vẫn tiếp tục thở máy, ECMO phổi nhân tạo và lọc máu liên tục.
Đối với bệnh nhân thứ 418 được điều trị tại Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 21-7 với chẩn đoán theo dõi lao phổi bội nhiễm trên nền bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực chống độc cuối giờ chiều 23-7. Rạng sáng 26-7, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Y học nhiệt đới cùng bệnh viện. Bệnh nhân này đã gặp biến chứng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thận cấp, hiện nằm yên dưới tác dụng thuốc an thần, giãn cơ, sốt nhẹ. Hiện nay, bệnh nhân này có tiên lượng rất nặng, tiếp tục thở máy và lọc máu liên tục.
Sau khi nghe các chuyên gia và thành viên Ban Chỉ đạo phân tích cơ chế lây nhiễm, diễn biến, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng nói riêng và tình hình dịch nói chung, các giải pháp ứng phó thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Chúng ta cần phải tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trước đây trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý các ổ dịch lớn như ở Bệnh viện Bạch Mai.
"Chúng ta vừa phải dập dịch nhanh, vừa giữ xã hội ổn định và phát triển nên phải có những quyết định rất chính xác. Vai trò của lực lượng điều tra dịch tễ học, phối hợp với công an, quân đội để xác định nhanh nhất nguồn lây, véc tơ truyền bệnh là vô cùng quan trọng"- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu không chỉ Đà Nẵng, mà tất cả các tỉnh, thành phố phải tăng cường công tác rà soát các bệnh nhân có triệu chứng đến khám ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân; kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh. Bộ Y tế khẩn trương triển khai xét nghiệm bằng các loại kit thử mà Việt Nam sản xuất, bảo đảm đầy đủ kit thử, trang thiết bị y tế và những điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh.