Báo SGGP tiếp tục giới thiệu các ý kiến tâm huyết về vấn đề này.
- Ông LẠI PHÚ CƯỜNG, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường quận Bình Tân, TPHCM:
Gắn camera giám sát để hạn chế xả rác
Trong những năm gần đây, trên địa bàn quận có tình trạng bỏ rác không đúng nơi quy định với số lượng nhiều. Điển hình là tại các bãi đất trống không có người quản lý, sử dụng hoặc các bờ kênh, rạch. Tuy nhiên, gần đây, số lượng các điểm bỏ rác không đúng nơi quy định giảm dần. Cụ thể, đầu năm 2024, trên địa bàn quận có 48 điểm rác phát sinh gây ô nhiễm. Cuối năm 2024, số lượng giảm còn 16 điểm và hiện tại chỉ còn 8 điểm.

Một trong những giải pháp để địa phương giảm tình trạng bỏ rác không đúng nơi quy định là gắn camera tại các điểm thường xuyên phát sinh điểm rác gây ô nhiễm; đồng thời, quận chỉ đạo các phường giao trách nhiệm quản lý, giám sát những điểm phát sinh rác thải. Ngoài ra, việc vớt rác trên kênh rạch lâu nay quận được duy trì ổn định. Theo đó, hàng tuần sẽ có những đội vớt rác của một số hội quần chúng, hội cựu chiến binh... cử người thực hiện. Hiện quận đang lên phương án nạo vét kênh rạch và khi dòng chảy được thông thoát thì tình trạng xả rác cũng sẽ hạn chế.
- TS HOÀNG VĂN PHÚC, Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn:
Đưa Chỉ thị 19 vào trường học
Để xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp - một thành phố không có rác trên đường phố, dưới kênh rạch phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người, từ thế hệ trẻ. Mỗi khi, người dân thành phố tự giác không xả rác ở nơi công cộng, bỏ rác đúng chỗ sẽ góp phần xây dựng thành phố sạch sẽ. Vì thế, việc cần làm hiện nay là đưa nội dung Chỉ thị 19 của Thành ủy về thực hiện cuộc vận động "Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước" phổ biến trong các trường học, chứ không dừng lại ở các cấp chính quyền, đoàn thể.
Khi các em bước vào lớp 1 đã được thầy cô dạy về cách gìn giữ vệ sinh cá nhân và ý thức bảo vệ môi trường chung, không xả rác ra đường, xuống kênh rạch. Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, các em học sinh đã hiểu biết về tác hại của việc xả rác ra đường, xuống kênh rạch sẽ gây ngập nước, ô nhiễm môi trường... Thông qua chương trình dã ngoại, các trường tổ chức cho học sinh nhặt rác, thu dọn vệ sinh đường phố, khu dân cư… sẽ tạo ý thức tốt cho học sinh.
- TS TRẦN QUÝ, Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam:
Phạt nặng hành vi xả rác bừa bãi
TPHCM trở nên xanh, sạch, đẹp ví như Singapore ngày nay là mong muốn của rất nhiều người. Được biết, Singapore đã áp dụng hình phạt nặng đối với hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường, bất kể người đó là ai, người dân sở tại hay du khách. Cùng với số tiền phạt cao, tương đương hàng chục triệu đồng (tiền Việt Nam), đối tượng vi phạm còn phải thực hiện lao động công ích. Chính sự nghiêm khắc này đã làm nên một Singapore như ngày hôm nay. Đây là bài học quý nên nghiên cứu, áp dụng ở TPHCM.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, bên cạnh chỉ thị của Đảng là những quy định của Nhà nước về xử phạt hành vi xả rác bừa bãi, nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm nạn xả rác ra đường phố, công viên, kênh rạch… Nguyên nhân chính là do biện pháp chế tài, xử phạt chưa nặng và thực hiện chưa nghiêm. Với mức phạt từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi xả rác ra đường, kênh rạch là chưa đủ sức răn đe, cần tăng thêm. Tăng mức xử phạt cũng chưa đủ mà cần phải áp dụng triệt để, công bằng mới đủ sức giáo dục, răn đe. Bài học từ nước bạn Singapore cho thấy, để có một thành phố xanh, sạch, đẹp, công tác giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân là quan trọng nhưng chưa đủ, cần thiết phải xử phạt thật nặng và nghiêm minh.
- Luật sư LÊ ĐỨC THỌ, Đoàn Luật sư TPHCM:
Cảnh sát khu vực phải vào cuộc
Cuộc vận động "Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước" do Thành ủy TPHCM phát động đã trở thành phong trào sâu rộng trong các cấp chính quyền, tầng lớp nhân dân lao động, nhưng vẫn chưa thay đổi hoàn toàn ý thức của một bộ phận người dân. Lỗ hổng ở đây là do thiếu lực lượng trực tiếp xử lý các đối tượng thiếu ý thức, cố tình vi phạm. Đối với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh xả chất thải ra môi trường thì đã có lực lượng Cảnh sát môi trường xử lý. Nhưng đối với hành vi cá nhân xả rác gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan thì chưa có lực lượng chuyên trách để xử lý, dẫn đến đối tượng vi phạm không sợ, lờn luật.
Để khắc phục tình trạng này, trong điều kiện chưa có lực lượng chuyên trách thì cần bổ sung chức năng, giao nhiệm vụ cho lực lượng cảnh sát khu vực các phường tổ chức giám sát và xử phạt hành vi xả rác bừa bãi. Cán bộ, chiến sĩ công an khu vực không chỉ sâu sát địa bàn, gần dân mà có chuyên môn, nghiệp vụ cao. Những đối tượng có hành vi xả rác không đúng chỗ sẽ được phát hiện và xử phạt kịp thời.