Chung tay vì sự an toàn học đường

Thời gian gần đây đã liên tục xảy ra những câu chuyện buồn ở môi trường học đường. Phải chăng quan hệ trong nhà trường, và giữa nhà trường với gia đình chính là khoảng trống lớn nhất mà ngành giáo dục chưa có giải pháp khắc phục? Các chuyên gia đã góp ý kiến về việc cùng chung tay vì sự an toàn của nhà trường, mà trực tiếp là giáo viên và học sinh.

Giúp các bạn trẻ suy nghĩ tích cực

Các em sinh viên và học sinh trung học là độ tuổi đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách, song các em rất non nớt về kinh nghiệm cũng như bản lĩnh so với người trưởng thành. Một bạn trẻ không được trang bị những kỹ năng sống cơ bản, nhất là kỹ năng sinh tồn, thì khó có thể kiểm soát được những hành vi tiêu cực của mình.
Nếu như gia đình quan tâm thường xuyên hơn, chia sẻ động viên và không tạo áp lực với con, nhất định các em sẽ cảm thấy thoải mái mà phấn đấu vươn lên. Khi các em học trong môi trường chất lượng giáo dục tốt, phải liên tục phấn đấu để đạt được những thành tích cao và cha mẹ không ngừng yêu cầu trẻ phải nỗ lực hơn nữa thì các em lại càng dễ bị căng cứng, đôi khi stress nặng. 
Chung tay vì sự an toàn học đường ảnh 1 Tư vấn tâm lý cho học sinh Trường THCS Quang Trung (quận 4, TPHCM) . Ảnh: THU HƯỜNG
              
Do vậy, một điều quan trọng là các em cần phải được chuẩn bị những kỹ năng cần thiết để giải quyết các áp lực. Trước hết, bản thân các em phải có suy nghĩ tích cực, lạc quan. Mỗi bạn trẻ nên hiểu rằng, năng lực của mình phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như năng khiếu, sở trường, hứng thú, sự nỗ lực quyết tâm…
Chúng ta không có năng khiếu về ngôn ngữ thì dù cố gắng rất nhiều đi nữa, việc học ngoại ngữ vẫn khó khăn hơn so các bạn có năng khiếu. Biết được như thế để các em cũng luôn phải xác định rằng mình đã cố gắng với thành tích đạt được như vậy là đã tốt rồi. Trên thực tế có không ít người học lực ở bậc phổ thông rất bình thường, nhưng họ lại gặt hái được thành quả cao trong cuộc sống, và ngược lại. 
Do vậy, các bạn trẻ đừng vì thỏa mãn những kỳ vọng của người lớn mà lại dẫn đến những quyết định sai lầm. Trước mỗi hành động cần phải suy nghĩ lạc quan và lựa chọn cách tích cực. Hãy luôn tự tin, yêu đời, bởi chỉ có sự cố gắng của bản thân mới quyết định được cuộc đời của mình.
LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN 
(giảng viên Tâm lý Đại học Nguyễn Huệ)

Xem lại cách tuyển chọn và đào tạo giáo viên

Hiện nay, công tác tuyển chọn sinh viên sư phạm cũng chưa có những tiêu chí riêng biệt, đủ điểm chuẩn là có thể bước vào giảng đường để đào tạo thành thầy cô giáo. Trong quá trình đào tạo, khối lượng kiến thức cũng lại là vấn đề cần quan tâm. Các sinh viên sư phạm hiện nay (trừ sinh viên chuyên ngành tâm lý và giáo dục) được học rất ít về kiến thức tâm lý học, giáo dục học, giao tiếp sư phạm. Những môn như Giáo dục học, Tâm lý học, Giao tiếp sư phạm… dường như chỉ là môn phụ mà các em học để thi cho xong, trong khi đây là những nội dung nền tảng, trang bị những kiến thức nghiệp vụ cho các kỹ sư tâm hồn. Trong quá trình học, rất ít thời gian thực hành các môn học này, ứng dụng các kiến thức tâm lý học, giáo dục học vào giải quyết vấn đề trong dạy học còn hời hợt, qua loa. Như vậy, sau khi ra trường sẽ thiếu nhiều kiến thức về nghiệp vụ. Vì sự thiếu hiểu biết rồi dẫn đến việc ứng xử vi phạm nguyên tắc giáo dục là chuyện thường hay xảy ra.
Có thể nhận thấy, rất nhiều sinh viên ra trường thiếu những kỹ năng sư phạm. Thực tế có vô số kỹ năng ứng xử sư phạm và bản thân người dạy phải biết vận dụng một cách khoa học, sáng tạo với từng đối tượng, tình huống cụ thể. Muốn vậy, phải cần được trang bị những kỹ năng cơ bản, như: kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng hiểu học sinh, kỹ năng dùng ngôn ngữ, kỹ năng lắng nghe…, để từ đó khi có tình huống thì họ có thể vận dụng nhanh chóng mà không vi phạm nguyên tắc. Hiện nay, một số giáo viên không được đào tạo cơ bản ở các trường sư phạm chính quy nên chất lượng nghiệp vụ không đáp ứng được yêu cầu, thậm chí có những nơi đào tạo kiểu đánh trống ghi tên rồi cũng lấy bằng đại học, cao đẳng, thì làm sao đảm bảo chất lượng? Coi trọng thực tập cũng là khâu yếu trong quá trình đào tạo. Ở Mỹ, để trở thành giáo viên tiểu học phải có ít nhất 3 lần thực tập. Lần đầu là quan sát, ghi chép, tìm hiểu; lần hai là phụ trách giấy tờ, phụ giảng; lần ba là một giáo viên thực thụ diễn ra trong khoảng 15 tuần. Điều quan trọng nhất đối với giáo viên là được trang bị kiến thức chuyên môn đủ, kỹ năng thực tế và am hiểu môi trường mình giảng dạy.
Do vậy, ngành giáo dục cần phải xem lại cách tuyển chọn, đào tạo sinh viên sư phạm sao để họ thực sự yêu mến nghề sư phạm. Khi đứng trên bục giảng họ không chỉ là người thầy mà còn là nhà tâm lý, người anh, người chị, người bạn chân thành của học sinh.
Thạc sĩ tâm lý học NGUYỄN VĂN CÔNG 
(Đồng Nai)

Tin cùng chuyên mục