Aging Summit 2022 là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động của dự án “Cuộc sống độc lập khi về già”, nhằm nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam về già hóa dân số do Prudential khởi xướng từ năm 2020 đến nay, với mong muốn thúc đẩy giới trẻ có kế hoạch và hành động để có một tuổi già độc lập, hạnh phúc.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phương Tiến Minh, Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam, nhấn mạnh: "Tôi rất vui mừng khi Prudential Việt Nam có cơ hội đồng hành cùng các cơ quan ban ngành nói chung và ILSSA nói riêng hỗ trợ các đề án liên quan đến vấn đề già hóa dân số tại Việt Nam. Thích ứng với già hóa dân số và phát triển bền vững xã hội là vấn đề ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ cơ quan chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người dân nói chung. Là một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, Prudential luôn quan tâm đến các vấn đề của cộng đồng và xã hội. Bên cạnh các hoạt động phối hợp cùng các cơ quan nghiên cứu có chuyên môn, hỗ trợ các đề án liên quan đến già hóa dân số, một mục tiêu khác mà Prudential vẫn luôn đặt ra xuyên suốt dự án, là nâng cao nhận thức và hành động của người dân về việc chủ động lên kế hoạch và chuẩn bị cho một tương lai hạnh phúc, độc lập khi về già".
Ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng ILSSA, chia sẻ: "Các kết quả khảo sát và nghiên cứu cho thấy, mức độ sẵn sàng chuẩn bị cho tuổi già độc lập của nhóm dân số trung niên chưa cao. Mặt khác, vấn đề già hóa đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam khi tốc độ già hóa dân số nhanh trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước còn hạn chế và hệ thống an sinh xã hội vẫn còn non trẻ. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Prudential Việt Nam trong những năm qua trong triển khai các hoạt động nghiên cứu và hội thảo quan trọng, nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học cho công tác xây dựng và hoạch định chính sách thích ứng với già hóa dân số và đạt “già hóa chủ động” hay “già hóa thành công” của Việt Nam trong những thập niên tới. Đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp quan trọng của doanh nghiệp trong các hoạt động tư vấn chính sách và nâng cao nhận thức cho người dân Việt Nam trong chủ động thích ứng với già hóa dân số và vì sự phát triển bền vững xã hội".
Trong khuôn khổ của sự kiện, đại diện của ILSSA và ISMS đã có phần trình bày dựa trên các nghiên cứu “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già” (thực hiện năm 2021) và nghiên cứu “Nhận thức và hành động đảm bảo an ninh thu nhập cho tuổi già độc lập của nhóm dân số trong độ tuổi trung niên” (thực hiện năm 2022). Trên cơ sở đó, đề xuất các biện pháp nâng cao nhận thức và hành động của nhóm dân số 30-44 tuổi để đảm bảo an ninh thu nhập cho cuộc sống độc lập khi về già.
Trình bày ý kiến trong phiên thảo luận chủ đề “Già hóa dân số: Cơ hội hay thách thức?”, TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhận định, trước tiên cần giải quyết vấn đề an sinh xã hội tương tự như cách thức tìm hướng giải quyết cho tăng trưởng kinh tế. Hệ thống bảo hiểm hiện tại ở Việt Nam gồm có nhà nước, thương mại và các thành phần kinh tế khác tham gia. Không nên "độc tôn" bất cứ hệ thống nào và cần đảm bảo được nền tảng an sinh xã hội, xác định rõ ai bị "bỏ lại phía sau" để họ được chăm lo đúng mực. Đề nghị mở rộng, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, kết hợp giữa bảo hiểm y tế và bảo hiểm nhân thọ tư nhân để đáp ứng nhu cầu của người dân".
Phiên thảo luận 2 với chủ đề “Già, rồi sao?” đề cập trực tiếp đến thế hệ Millennials, những người sẽ trực tiếp đối diện, chịu ảnh hưởng từ quá trình già hóa dân số nhanh chóng, đã chia sẻ góc nhìn đa chiều xoay quanh các chủ đề Tài chính, Sức khỏe, Sự gắn kết với gia đình và xã hội, cùng những mong đợi tuổi về già. Thông qua đó, mỗi người có thể tìm ra câu trả lời cho riêng mình về tuổi già độc lập, an nhiên.