Trong năm 2024, TPHCM đã hoàn thành xây mới, cải tạo, sửa chữa 326 căn nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, với tổng số tiền hơn 17,4 tỷ đồng. Thành phố cũng đã hoàn thành 679 căn nhà tình thương (trong tổng số 900 căn cần xây mới, sửa chữa) với tổng số tiền gần 35 tỷ đồng. Thành phố tiếp tục xây mới, sửa chữa nhà cho những hộ dân còn lại với quyết tâm hoàn thành trước dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cùng với các chương trình xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương, TPHCM cũng đang chạy nước rút để hoàn thành việc xóa 325 căn nhà tạm, nhà dột nát cuối cùng trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, thành phố còn xuất ngân sách 209 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Kon Tum xóa nhà tạm, nhà dột nát. Báo cáo mới đây của Bộ LĐTB-XH (nay là Bộ Nội vụ), tính đến ngày 21-2, các địa phương đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 107.941 căn (tăng 1.752 căn so với ngày 14-2), trong đó có 61.496 căn nhà đã khánh thành và 46.445 căn khởi công mới.
Những con số “biết nói” kể trên đã khắc họa bức tranh toàn cảnh về những nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương để xóa nhà tạm, nhà dột nát, biến giấc mơ “an cư, lạc nghiệp” của hàng trăm ngàn người trên cả nước thành hiện thực. Và để làm được điều này, chắc chắn không thể thiếu sự chung tay góp sức, tấm lòng, đặc biệt là tình người của những nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đó cũng là những việc làm thiết thực cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã duy trì hàng chục năm qua, nhằm giúp cho người nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Những căn nhà nghĩa tình không chỉ mang lại mái ấm kiên cố cho những gia đình khó khăn, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, nhân văn sâu sắc của toàn xã hội, lan tỏa giá trị tình người đến mọi miền đất nước. Đối với những gia đình chính sách, người có công, nhà tình nghĩa là sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những cống hiến của họ. Với những hộ nghèo, nhà tình thương là điểm tựa giúp họ có điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Chính sự chung tay của Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng đã biến những giấc mơ an cư của hàng vạn gia đình thành hiện thực.
Những mái nhà vững chãi không chỉ che nắng, che mưa mà còn chứa đựng tình người, sự sẻ chia của cả cộng đồng. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tại lễ phát động phong trào thi đua “cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” cách đây gần 1 năm, cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, toàn dân cần chung tay có hành động cụ thể để giải quyết dứt điểm nhà tạm, nhà dột nát để toàn dân được hưởng thành quả của độc lập tự do, thành quả của quá trình đổi mới. Nhất là khi cả nước đang tiến gần đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm Ngày Quốc khánh…
Tiếp tục lan tỏa tinh thần này sẽ góp phần xây dựng một xã hội nhân văn, không ai bị bỏ lại phía sau, để mỗi ngôi nhà không chỉ là nơi trú ngụ mà còn là biểu tượng của niềm tin và hy vọng. Cứ mỗi ngôi nhà tạm, nhà dột nát được xóa sổ từ thành phố đến vùng sâu, vùng xa để thay bằng những mái ấm nghĩa tình đã, đang và sẽ góp phần làm đẹp thêm bức tranh về lòng nhân ái, nghĩa đồng bào của dân tộc Việt Nam.