Chung tay ươm mầm sống cho đời

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, TPHCM trở thành tâm dịch. Điều này đã gây nhiều mất mát, khó khăn cho người dân lao động, nhất là với các thai phụ gần đến ngày sinh mà không có chi phí đi khám thai, không đủ tiền mua sữa, quần áo cho con. Rồi gánh nặng tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt khiến các thai phụ rơi vào bế tắc.

Trăn trở, đồng cảm với những khó khăn ấy, chương trình “Đồng hành vượt cạn” do Báo SGGP tổ chức, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TPHCM, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Hội Hộ sinh TPHCM, Hội Nữ Doanh nhân TPHCM, Quỹ công tác xã hội Anh hùng LLVTND Phan Trọng Bình đồng hành, đã hỗ trợ hơn 1.710 thai phụ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí hơn 5,1 tỷ đồng. 

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) trao hỗ trợ thai phụ tại số nhà 239/47 Trần Văn Đang, phường 11, quận 3, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Niềm vui bất ngờ 

Những ngày tháng 9-2021, dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành tại TPHCM, việc tổ chức đoàn đến hỗ trợ trực tiếp cho các thai phụ có hoàn cảnh kém may mắn, gần đến ngày sinh nở là cả một nỗ lực lớn. Muốn đến được dãy nhà trọ của thai phụ Nguyễn Thị Như và một số thai phụ để trao quà, ngay từ sáng sớm, đại diện Báo SGGP, Hội LHPN TPHCM, Công ty PNJ, Hội LHPN quận 7 và các cô chú ở phường đã tất bật tổ chức việc đi lại sao cho an toàn. Mọi người di chuyển bằng xe máy, người chở, người ôm các phần quà. Chị Huỳnh Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội LHPN quận 7, giải thích: “Các dãy trọ của công nhân lao động chủ yếu nằm sâu trong hẻm, nếu không có người hướng dẫn rất khó vào”. 

Khi đoàn đến, thai phụ Như đã đứng ngay cổng khu trọ, mừng rỡ vì không ngờ giữa lúc thành phố gần như “đóng băng”, vậy mà vẫn có những người chưa từng quen biết đến an ủi, sẻ chia gánh nặng sinh nở. Nhận phần hỗ trợ, Như rối rít cảm ơn nhiều lần: “Gần sinh mà được giúp đỡ mừng lắm anh chị ơi! Trong người không còn tiền từ hổm rày, lo dữ lắm. Em cảm ơn anh chị…”. Nhìn đôi tay thai phụ chai sần vì bốc vác nặng nhọc run run khi cầm phần quà, ai nấy trong đoàn đều xúc động. Dù đeo khẩu trang kín mít, kính chống giọt bắn, nhưng mọi người vẫn không giấu được đôi mắt đỏ hoe. Ông Trần Minh Trường, đại diện Báo SGGP, xúc động nói: “Gần ngày sinh rồi thì cố gắng ăn uống, khám thai đầy đủ. Mong em mẹ tròn con vuông. Khó khăn gì phát sinh cứ báo với các anh chị ở phường, ở hội phụ nữ và chương trình “Đồng hành vượt cạn”. Mọi người sẽ hết lòng kết nối giúp em”.

Phó Tổng biên tập Báo SGGP Phạm Văn Trường trao hỗ trợ đến các thai phụ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Ôm cậu con trai nay đã cứng cáp vào lòng, chị Lê Thị Mộng (ngụ phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM) chia sẻ: “Hơn 3 tháng trước, cũng tại phòng trọ này, tôi được tiếp thêm động lực để bước tiếp hành trình cùng con”. Chị Mộng vẫn nhớ như in món quà chương trình “Đồng hành vượt cạn” dành cho mình hôm chị và con từ bệnh viện về phòng trọ. Chị kể, thanh toán mọi chi phí sau khi sinh xong, trong túi vợ chồng chị gần như không còn đồng nào. Suốt đoạn đường về nhà, chị lo lắng không biết những ngày tháng tới sẽ ra sao. Vậy mà ngay trong buổi chiều chị xuất viện, những người thực hiện chương trình “Đồng hành vượt cạn” đã đến nhà trao chị món quà bất ngờ là 3 triệu đồng cùng phần quà nghĩa tình. “Nhờ số tiền ấy, vợ chồng tôi trang trải được chi phí sinh hoạt cũng như sắm đồ dùng cho các con. Ân tình ấy, tôi mãi nhớ”, chị Mộng bày tỏ. 


Trợ sức thai phụ 

Trong hàng ngàn thai phụ được trợ giúp, nhiều chị là F0, có chị mất người thân vì Covid-19. Có những chị gần đến ngày sinh nở vẫn phải đi phụ hồ, làm công việc lao động chân tay nặng nhọc. Và trong số ấy, rất nhiều chị không có cơ hội đi khám thai bởi không đủ chi phí. Chúng tôi nhớ mãi cuộc điện thoại của chị Đỗ Thị Quỳnh Nhi, thuê trọ tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Ngày gọi đến chương trình nhờ trợ giúp, chị đang mắc Covid-19 nhưng không dám nói ra, vì nghĩ F0 sẽ không được giúp. Thế nhưng, chính vì biết chị Nhi là F0, chương trình đã đẩy nhanh các bước xét duyệt để kịp thời trao hỗ trợ, giúp chị vững tâm chiến đấu với bệnh tật, sinh con an toàn, khỏe mạnh. 

Ôm con gái 4 tháng tuổi trong tay, bà mẹ trẻ Lô Thị Kim Oanh (26 tuổi, ngụ 71/65 Nhị Bình 15, tổ 2, ấp 2, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) xúc động khi nói về sự hỗ trợ từ chương trình “Đồng hành vượt cạn”. Oanh kể, em là người dân tộc thiểu số quê ở Thanh Chương, Nghệ An vào TPHCM mưu sinh hơn 2 năm qua. Nghe thông tin về chương trình, em đăng ký ngay. “Vợ chồng em thất nghiệp 4 tháng do dịch bệnh. Tiền tiết kiệm dành dụm cạn kiệt, phải vay mượn hàng xóm để đi sinh. Khi mang thai 32 tuần em bị sinh non, mất 1 bé…”, Oanh nghẹn ngào. Rất may, giữa lúc khó khăn, Oanh nhận được hỗ trợ từ chương trình “Đồng hành vượt cạn”. “Thời điểm đó, bao nhiêu cũng quý. Với em, 3 triệu đồng là quá lớn, biết kiếm đâu ra. Em rất trân quý sự hỗ trợ, chăm lo của các anh chị Báo SGGP, các cô các chị ở xã từ thăm hỏi tận tình khi nhận hồ sơ đến lúc trao hỗ trợ”, Oanh tâm sự.

Ngày đến nhận quà của chương trình “Đồng hành vượt cạn” tại hội trường Hội LHPN quận 7, chị Trương Thị Giàu (ngụ phường Bình Thuận, quận 7) vẫn chưa tin mình may mắn được chương trình hỗ trợ. Chị là công nhân đóng gói tại Khu chế xuất Tân Thuận, chồng làm thợ hàn. Thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày và lo cho 2 con đi học. Dịch Covid-19 khiến khu nhà trọ bị phong tỏa, hai vợ chồng mất việc, rồi chị hay tin mình có thai đứa con thứ 3. Bao lo lắng ập đến với chị trong suốt cả thai kỳ. Nhiều khoản chi phí phát sinh, lại không có việc làm, chị không biết cuộc sống phía trước sẽ ra sao. Nhận 3 triệu đồng hỗ trợ từ chương trình “Đồng hành vượt cạn” và những lời chúc bình an, khỏe mạnh đến cả gia đình, chị Giàu rất xúc động, bởi sự hỗ trợ này sẽ giúp chị vượt qua những ngày gian khó trước mắt. 

Nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng biên tập Báo SGGP, chia sẻ, chương trình “Đồng hành vượt cạn” ra đời trong bối cảnh đặc biệt khó khăn của thành phố và đến hôm nay đã kết thúc một giai đoạn ý nghĩa. Thành công của chương trình đến từ sự nỗ lực rất lớn của Hội LHPN TPHCM và các cấp hội địa phương, sự tận tâm của Hội Hộ sinh TPHCM đã thường xuyên gắn kết với Báo SGGP để sắp xếp thời gian, thống nhất cách thức trao hỗ trợ cho thai phụ kịp thời, an toàn, phù hợp. “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng chương trình để “Đồng hành vượt cạn” trở thành hoạt động thường niên của báo trong những năm tới. Nhờ sự chung tay của bạn đọc, các đơn vị, nhà hảo tâm, chương trình được hưởng ứng, lan tỏa gần xa”, nhà báo Phạm Văn Trường cho biết.

_________
Đồng chí Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM: Chương trình xã hội rất nhân văn 

“Trong đại dịch Covid-19, sự chủ động của Báo SGGP, Hội LHPN TPHCM, Hội Hộ sinh TPHCM, Công ty PNJ... đã gặp nhau ở một điểm rất lớn: hỗ trợ thai phụ vượt cạn. Chính chủ đề “Đồng hành vượt cạn” làm cho các đơn vị thấy rằng phải suy nghĩ nhiều giải pháp hỗ trợ người dân. Và những đối tượng hỗ trợ rất đặc biệt, bởi không chỉ lo cho các thai phụ mà còn lo cho các cháu sơ sinh. Những điều cao đẹp từ chương trình đã lay động lòng người, khiến các doanh nghiệp thêm động lực hỗ trợ. Dù các doanh nghiệp thời gian qua gặp nhiều khó khăn, nhưng sự hỗ trợ hết lòng của các doanh nghiệp cho thấy trách nhiệm, sự chia sẻ với cộng đồng rất lớn. Khi hàng ngàn phụ nữ vượt cạn thành công là có thêm hàng ngàn công dân Việt Nam khỏe mạnh, những mầm sống mới chào đời”.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng biên tập Báo SGGP: Chăm lo cho mầm non

Chúng tôi không sao quên được những giọt nước mắt của các thai phụ nhận hỗ trợ từ chương trình. Nếu không có sự tận tình, chung tay kết nối chặt chẽ từ các đơn vị tổ chức, phối hợp, đồng hành, chương trình khó hoàn thành mục tiêu. Qua chương trình, đã có 1.710 thai phụ sinh nở an toàn. Và các cháu bé được sinh ra chính là mầm non hy vọng của gia đình, của cuộc đời này. Mong rằng, khi các cháu lớn lên luôn thấy được sự ấm áp, niềm tin, động lực bởi được sinh ra giữa vòng tay yêu thương của biết bao người..

Tháng 8-2021, TPHCM đang phải gồng mình vì dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong những lần đi tác nghiệp tại quận Bình Tân, huyện Hóc Môn về các gói hỗ trợ của TPHCM cho người lao động, chúng tôi gặp nhiều thai phụ gần đến kỳ sinh nở nhưng không có tiền dành dụm. Trăn trở về hình ảnh những thai phụ với chiếc bụng đã to nhưng ánh mắt u buồn, chúng tôi nghĩ cần phải có một chương trình đồng hành, hỗ trợ họ trong lúc ngặt nghèo này. Và ngày 10-9, niềm vui, cơ hội hỗ trợ được nhiều thai phụ khó khăn trở thành hiện thực khi chương trình “Đồng hành vượt cạn” do Báo SGGP cùng các đơn vị thực hiện đã ra đời.