Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 1-6-2017. Tháng hành động vì trẻ em năm nay đã chính thức được phát động với chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 18 về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Điều đó cho thấy công tác chăm lo, bảo vệ những chủ nhân tương lai đất nước được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Dạy trẻ kiến thức về giới
Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục và số trẻ dưới 6 tuổi chiếm 13,2%.
Một sai lầm lớn mà các bậc làm cha mẹ thường hay mắc phải đó là cảm thấy rất khó khăn khi đề cập đến vấn đề giới tính đối với con. Theo chị Tào Ánh Tuyết, công tác tại Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hành vi bạo hành và xâm hại trẻ em là một loại tệ nạn xã hội, xảy ra thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Bất cứ lúc nào, ở đâu, trẻ cũng có thể gặp nguy cơ từ những người xung quanh, thậm chí ngay cả từ người thân trong gia đình. Do đó, cần dạy trẻ những kỹ năng cần thiết để phòng tránh, kể cả trẻ nam và nữ. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, khi trẻ hiểu biết rõ về giới sẽ có cách phản ứng tích cực với những nguy cơ có thể bị xâm hại. Chính qua việc giáo dục về giới tính cũng giúp trẻ kìm hãm được tính tò mò thường thấy. Kiến thức về giới cũng đem đến cho trẻ hình ảnh trung thực về những nguy hiểm và có trách nhiệm đối với bản thân.
Bà Võ Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương, chia sẻ: “Cha, mẹ phải dạy trẻ kiến thức thức về giới ngay từ nhỏ. Không để ai đụng đến những phần nhạy cảm trên cơ thể để trẻ, giúp trẻ tự biết bảo vệ bản thân mình, bởi đa phần những người xâm hại trẻ là những người thân, người quen”. Theo đó, bà Thanh Tâm cũng cho rằng bên cạnh giáo dục, phổ kiến cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại mình, thì cũng cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ đến các thành viên gia đình, giáo viên, những người trực tiếp làm công tác nuôi dạy trẻ.
Trong tháng 6-2017, “Hội đồng trẻ em” tại TPHCM sẽ chính thức được đưa vào hoạt động. Đây sẽ là nơi giúp các em nói lên tiếng nói, gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình.
Rèn kỹ năng tự bảo vệ
Thời gian qua, Ban Thiếu nhi Thành đoàn TNCS TPHCM đã có nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền cũng như cung cấp các kiến thức, kỹ năng để giúp trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi bị xâm hại. Theo chị Vương Thanh Liễu, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TPHCM, thông qua những buổi sinh hoạt cho thiếu nhi đã lồng ghép nội dung dạy trẻ các kiến thức, kỹ năng phòng chống bị xâm hại. Các cơ sở Đoàn còn có những khóa huấn luyện các thế võ tự vệ cơ bản cho thiếu nhi để các em tự phòng vệ.
Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, ngày 1-6, Thành đoàn phối hợp cùng Ủy ban MTTQ TP và Sở LĐTB-XH khởi động chiến dịch truyền thông “Luật trẻ em, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em” với ngày hội “Kết nối yêu thương, cùng em vui hè” cho trẻ em. Riêng trong đợt hè, Thành đoàn sẽ tổ chức các chuyên đề phòng chống xâm hại trẻ và sẽ được lồng ghép vào nội dung, chủ đề sinh hoạt hè tại các cấp phường, xã. Bên cạnh đó, Thành đoàn phối hợp cùng các cơ quan chức năng xây dựng quy trình hỗ trợ nhằm bảo vệ, chăm lo trẻ được tốt hơn.
Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, ngày 1-6, Thành đoàn phối hợp cùng Ủy ban MTTQ TP và Sở LĐTB-XH khởi động chiến dịch truyền thông “Luật trẻ em, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em” với ngày hội “Kết nối yêu thương, cùng em vui hè” cho trẻ em. Riêng trong đợt hè, Thành đoàn sẽ tổ chức các chuyên đề phòng chống xâm hại trẻ và sẽ được lồng ghép vào nội dung, chủ đề sinh hoạt hè tại các cấp phường, xã. Bên cạnh đó, Thành đoàn phối hợp cùng các cơ quan chức năng xây dựng quy trình hỗ trợ nhằm bảo vệ, chăm lo trẻ được tốt hơn.
Nhằm giúp các bà mẹ thêm kiến thức bảo vệ con khỏi bị xâm hại, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM và các cơ sở hội đã có rất nhiều buổi tập huấn trực tiếp cho phụ nữ tại các địa phương. Bà Đoàn Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Gia đình xã hội, cho biết: “Với nữ công nhân, chúng tôi tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề tại Câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ, phối hợp các đơn vị đông nữ công nhân để tuyên truyền, giúp nữ công nhân thêm kiến thức bảo vệ con mình. Bởi con công nhân hiện đang là đối tượng dễ bị xâm hại”.