Chung tay phát triển thương hiệu hàng Việt

Ngày 27-6, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hội thảo “Thương hiệu - Nội lực mềm cho doanh nghiệp Việt”. Chủ trì hội thảo gồm: PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM); ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA); nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP.

Quang cảnh hội thảo “Thương hiệu - Nội lực mềm cho doanh nghiệp Việt”. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Quang cảnh hội thảo “Thương hiệu - Nội lực mềm cho doanh nghiệp Việt”. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một mình khó đi!

Tại hội thảo, câu chuyện về quá trình giữ gìn, phát triển thương hiệu của doanh nghiệp Việt được các đại biểu tập trung trao đổi, bàn luận. Trong đó, cụ thể được nhắc đến là Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC). Ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Marketing của SCC, cho biết, qua 50 năm thăng trầm, SCC vẫn giữ được bản sắc riêng. Theo ông Dũng, SCC rất quan tâm và tập trung vào chất lượng sản phẩm, bởi nếu không đủ chất lượng thì không thể tồn tại và phát triển lâu dài. SCC có thương hiệu nước hoa Miss Sài Gòn, là sản phẩm mang yếu tố rất Việt Nam với bao bì in hình ảnh áo dài nón lá, hay thương hiệu dầu gội Fresh phát triển hơn 30 năm qua. SCC đã liên tục đổi mới để phát triển đến ngày hôm nay. Trong đó, SCC đưa vào nhiều thành phần nguyên liệu của Việt Nam, chẳng hạn dầu gội Fresh mới ra mắt dòng sản phẩm có hơn 20 nguyên liệu nguồn gốc thiên nhiên, trong đó phần lớn là nguyên liệu đặc trưng của Việt Nam như bồ kết, gừng, bưởi…

Để đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, hướng đi của SCC là sâu sát cùng các đối tác nước ngoài ngay từ đầu, để sản phẩm khi xuất khẩu sẽ đáp ứng được ngay các tiêu chuẩn. “Định hướng của SCC là xâm nhập vào các thị trường khó tính như Nhật Bản và đang nghiên cứu thị trường Ấn Độ. Nhưng chúng tôi không thể đi một mình khi đi vào các thị trường lớn và khó tính. Cần có những đối tác để tạo nên sức mạnh lớn hơn. Doanh nghiệp chúng tôi cần sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan chức năng, Chính phủ cũng như chính sách hỗ trợ cho các thương hiệu Việt chinh phục thị trường nước ngoài”, ông Vương Ngọc Dũng chia sẻ.

Trong khi đó, bà Võ Thị Liên Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Secoin, chia sẻ câu chuyện gìn giữ, phát triển thương hiệu gạch bông Secoin có truyền thống lâu đời, từ năm 1910. Đây là sản phẩm thuần Việt được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, hiện có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, Secoin đang phấn đấu để trong năm nay có nhà máy gạch đạt chứng chỉ xanh quốc tế. Các nhà phân phối của thương hiệu này tại châu Âu rất ủng hộ và cho biết, chứng chỉ sẽ là tấm hộ chiếu để Secoin đi khắp thế giới. Các nước cũng sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm đạt chuẩn xanh.

Theo bà Liên Hương, có 4 tiêu chí thương hiệu quốc gia (Q.U.A.D), gồm chất lượng sản phẩm, tính độc đáo, tính đích thực và việc sẵn lòng mua sản phẩm. Trong đó, để phát huy tính độc đáo, Secoin hợp tác với các nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới, cung ứng những sản phẩm đạt chuẩn, thân thiện môi trường, giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, các sản phẩm làm bằng tay được khách hàng quốc tế rất quan tâm. Về tính đích thực của hàng Việt, thế giới đánh giá rất cao, họ muốn tìm sản phẩm đặc trưng của Việt Nam. “Khi ra quốc tế, họ không biết chúng tôi là Secoin, họ chỉ biết là hàng Việt Nam, quan tâm xem hàng Việt Nam có tốt không. Một mình chúng tôi không thể kể câu chuyện Việt Nam được. Cần thêm rất nhiều thương hiệu khác nữa để tạo sức mạnh tổng hợp của hàng Việt, để “nước lên thì thuyền lên”, bà Liên Hương nói.

Với nhiều kết quả tích cực về trị giá xuất khẩu trong các năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2023, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia với tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (lên đến 102%) trong giai đoạn 5 năm, từ 2019-2023. Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 498 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và xếp thứ 33/121 quốc gia được đánh giá

Hành động và trách nhiệm

Câu chuyện thực tế của các thương hiệu Việt kể trên cho thấy nỗ lực của doanh nghiệp trong việc giữ gìn, phát huy thương hiệu của mình, đặc biệt trong bối cảnh thương mại xanh hiện nay. Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM, nhìn nhận, hiện nay, ở thị trường trong nước, hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hàng Việt cũng đang dần theo hướng “xanh” rất mạnh mẽ; đồng thời tận dụng được những cơ hội mới, điển hình là các hiệp định thương mại tự do. Người tiêu dùng được tiếp cận với nhiều chủng loại hàng hóa trong nước có chất lượng cao, với 75%-85% hàng hóa trên quầy kệ các siêu thị là hàng Việt. Hàng Việt cũng vượt khó và từng bước chinh phục thị trường thế giới bằng chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi vẫn còn đó nhiều thách thức, hàng Việt ở thị trường trong nước và quốc tế đang gặp phải khó khăn không nhỏ. Từ điểm cầu đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ Trần Thái Nghiêm cho biết, ở Cần Thơ có nhãn hiệu mãng cầu Thới Hưng quy mô vài chục hécta, nhưng mùa vụ thu hoạch chỉ diễn ra trong vòng vài ngày. Công nghiệp chế biến cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Thế là, quy trình làm rất tốt nhưng sản phẩm không ra được thị trường.

Còn tại tỉnh Cà Mau, ông Trần Hoàng Khởi, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Cà Mau, cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó trong xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Lý do là kiến thức pháp luật, thị trường, việc hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc thù của địa phương chưa được quan tâm đúng mức...

Xung quanh những ý kiến này, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, cần có quy hoạch tổng thể về vùng trồng, tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương, tạo sản phẩm mũi nhọn để xâm nhập thị trường cụ thể. Bởi qua khảo sát hiện nay ở các thị trường nước ngoài, hàng Việt chỉ chiếm dưới 2% hàng nhập khẩu vào nước họ, một con số quá khiêm tốn so với tiềm năng của Việt Nam.

Dự hội thảo từ điểm cầu Hà Nội, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) chia sẻ về những hạn chế, khó khăn của hàng hóa nông sản xuất khẩu Việt Nam. Đó là sản phẩm Việt phải thông qua thương hiệu của các nước khác hoặc xuất khẩu thô để nước ngoài chế biến. Theo ông Nguyễn Như Cường, đây là vấn đề chung của các nước xuất khẩu nông sản, nhưng vấn đề kéo dài bao lâu phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước và khát khao, quyết tâm hành động của doanh nghiệp. Bởi việc xây dựng thương hiệu do doanh nghiệp quyết định, còn Nhà nước chỉ là “bà đỡ”.

Thực trạng hiện nay, ngành trồng trọt chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp đến nay vẫn manh mún, tự phát với quy mô ruộng đất bình quân là 0,2-0,3ha, trong khi các trang trại ở châu Âu rộng hàng trăm, hàng ngàn hécta, sản xuất tự động hóa, tạo ra sản phẩm hoàn toàn khác so với Việt Nam. Với quy mô nhỏ, dù sản xuất tốt, nhưng chúng ta khó đảm bảo được chất lượng, số lượng và giá cả ổn định. Điều này rất khó trong việc xây dựng thương hiệu.

Xanh - nhân tố mới cho thương hiệu

PGS-TS NGUYỄN HỒNG QUÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM: Tương lai xanh hoặc không có tương lai!

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân.jpg

Kinh tế tuần hoàn chính là tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Tương lai là tuần hoàn, là xanh hoặc không có tương lai. Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn phải gắn được với thị trường thì mới thúc đẩy được các doanh nghiệp cùng tham gia.

Quá trình chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức (tài chính, công nghệ, thể chế...) đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm của các bên, đặc biệt vai trò của Nhà nước. Trong đó, Nhà nước cần phát triển các yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, như các quỹ đầu tư/tài trợ, mô hình hợp tác kết nối các bên, sự hỗ trợ quốc tế, công nghệ, nhân lực. Đồng thời, cần mô hình thí điểm, vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp đầu ngành cùng phối hợp với Nhà nước, nhà khoa học, tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, cần có đề án cụ thể cho TPHCM theo hướng mở, có lộ trình từng bước và thực chất, hiệu quả, khả thi, không cầu toàn.

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC): Tìm nhân tố mới cho sản phẩm Việt

ông Nguyễn Ngọc Hòa.jpg

Tìm cho sản phẩm Việt nhân tố mới, tạo nét mới giúp thương hiệu Việt đi xa hơn. Nhân tố mới chính là yếu tố xanh. Mới đây, ngành dệt may Bangladesh đã thành công trong xây dựng thương hiệu “dệt may xanh”, kéo về nhiều đơn hàng. Đây là câu chuyện rất đáng suy nghĩ. Qua ý kiến các doanh nghiệp, có thể thấy quá trình xanh hóa đòi hỏi quyết tâm rất lớn, sự kiên trì của doanh nghiệp, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp. Chúng ta cần một rừng xanh - cả một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đồng tâm hiệp lực chứ không phải chỉ một vài doanh nghiệp đơn lẻ.

Thực hiện Nghị quyết 98, TPHCM đã ban hành Nghị quyết 09 về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM. Trong đó, việc thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ được hỗ trợ lãi suất 100%. Chúng tôi kiến nghị UBND TPHCM sớm ban hành quyết định triển khai nghị quyết này để tạo điều kiện nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Ông PHẠM VĂN TRƯỜNG, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng: Khẳng định vị thế thương hiệu Việt

Phạm Văn Trường.jpg

Xây dựng thương hiệu chính là “nội lực mềm” cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của doanh nghiệp Việt trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam đã vươn lên tốp 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng tích cực thì vẫn còn một thực tế rất buồn, đó là hầu hết sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản, đang phải “vay thương hiệu” để xuất khẩu.

Thống kê từ Bộ Công thương chỉ rõ, có đến 70%-80% là xuất thô, giá trị gia tăng thấp. Minh chứng rõ nét như ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng. Tính chung trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp và đó là một thiệt thòi rất lớn cho hàng Việt.

Báo SGGP tổ chức hội thảo lần này nhằm đóng góp các giải pháp để phát triển thương hiệu cho hàng Việt, hướng đến kiến tạo hệ sinh thái doanh nghiệp Việt bền vững. Đồng thời, chúng tôi cũng ghi nhận đầy đủ ý kiến tại hội thảo chuyển đến các cơ quan chức năng. Song song đó, tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp, các đơn vị cùng nhau xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp bằng các việc làm cụ thể, thiết thực.

Bà LÊ VIỆT NGA, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương: Sự chung tay của nhiều cấp ngành

Bà LÊ VIỆT NGA.jpg

Chúng tôi hoan nghênh Báo SGGP tổ chức hội thảo này. Đây là chủ đề hay, có ý nghĩa thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh thương mại xanh hiện nay. Từ lâu ngành công thương cũng đã triển khai nhiều hoạt động khuyến khích tiêu dùng xanh. Việc dán nhãn năng lượng với đồ gia dụng đã triển khai rất thành công trong 10 năm qua. TPHCM cũng đã triển khai thành công chủ trương này và rất mong thành phố tiếp tục có những chính sách đặc thù hỗ trợ triển khai cho những chủ trương lớn này thấm nhuần vào cộng đồng doanh nghiệp. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam có những bước tiến đáng mừng, đến năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với 2022, xếp 33/121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Để xây dựng được thương hiệu hàng Việt, cần sự chung tay của nhiều cấp, ngành, từ các cơ quan quản lý, hiệp hội, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ông PHẠM MINH TUÂN, Trưởng phòng nghiệp vụ 3, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường: Ngăn hàng gian hàng giả, bảo vệ thương hiệu Việt

Ông PHẠM MINH TUÂN.jpg

Tạo dựng và phát triển thương hiệu rất quan trọng. Mỗi ngày, chúng tôi giải quyết hàng loạt vụ việc liên quan đến xâm phạm sở hữu trí tuệ trong các công ty, đơn vị… Đối với thị trường nội địa, hàng giả, hàng nhái diễn ra rất phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Hàng hóa không bán trực tiếp như trước đây mà chuyển sang bán trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội như TikTok, Zalo, Facebook...

Năm 2023 và quý 1-2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thanh tra hơn 74.000 vụ, xử lý gần 56.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Riêng quý 1-2024, đã xử lý hơn 1.000 vụ vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng hàng “dỏm” thẩm lậu vào thị trường, rất cần sự phối hợp của chính các doanh nghiệp và sự vào cuộc của toàn xã hội.

THI HỒNG - MAI HOA ghi

Tin cùng chuyên mục