Người dân còn lúng túng
Theo phản ánh của nhiều người dân, việc thực hiện PLRTN ở địa phương vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Chẳng hạn như việc bỏ rác lung tung, không đúng nơi quy định, người dân còn chưa có ý thức cao trong thực hiện PLRTN. Chia sẻ về vấn đề này, cô Lê Minh Huệ (phường 11, quận Phú Nhuận) cho biết, địa phương đã triển khai PLRTN được 9 tháng, tỷ lệ người dân tham gia cũng khá cao; tuy nhiên, tỷ lệ phân đúng loại rác chỉ đạt 25%, vì mọi người còn lúng túng, chưa phân biệt đâu là rác vô cơ, đâu là rác hữu cơ.
Bên cạnh đó, khâu thu gom rác ở phường cũng có nhiều bất cập nên ý thức phân loại cũng không cao. Theo cô Huệ, phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải hiện nay còn rất lạc hậu, chủ yếu là xe tự chế, không đảm bảo an toàn vệ sinh khi vận chuyển; lực lượng thu gom, nhất là lực lượng thu gom dân lập, lại là đối tượng không thực hiện tốt việc phân loại rác. Sau khi người dân phân loại cho vào 2 túi ni lông khác nhau thì lực lượng thu gom lại xé tung ra để tìm ve chai rồi lại đổ chung vào một xe. Điều này đã khiến người dân chán nản, không muốn thực hiện tiếp vì họ cho rằng công sức của người dân trở thành công cốc. Cô Hoàng Thị Lợi (phường Bến Nghé, quận 1) cũng cho biết, phường của cô đã thực hiện PLRTN từ năm 2013, mặc dù đã đạt được kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều người dân lúng túng trong việc phân các loại rác nên hiệu quả chưa được như mong đợi.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM, mỗi ngày TPHCM thải ra môi trường từ 8.500 - 9.000 tấn rác sinh hoạt. Có 3 chủ nguồn thải lớn là từ hộ gia đình (42%), các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại (40,5%) và còn lại là từ đường phố, kênh rạch, công viên. Trong khi công tác quản lý nhà nước về môi trường còn gặp nhiều khó khăn, người dân chưa nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định, PLRTN...
Rác chủ yếu được xử lý bằng hình thức chôn lấp, dễ gây ô nhiễm môi trường. Nếu thực hiện PLRTN tốt, sẽ giúp thành phố tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên và ngân sách. Đồng thời, PLRTN sẽ giúp cho việc thu hồi, tái sử dụng và tái chế rác thải hiệu quả hơn. Hiện nay, 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã thực hiện và triển khai kế hoạch PLRTN theo chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, tốc độ triển khai còn chậm do người dân chưa chủ động phân loại chất thải rắn sinh hoạt, công tác tuyên truyền yếu. Vấn đề mấu chốt là các quận, huyện phải thực sự quyết tâm thực hiện. Thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi phương tiện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Chương trình PLRTN nếu thực hiện thành công sẽ tái chế được 60% tổng lượng rác thải. Điều này sẽ giảm đáng kể áp lực về diện tích đất để chôn lấp, giảm ngân sách xử lý rác thải, giảm nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường do các bãi chôn lấp rác thải gây ra.
Phân loại rác từ… điện thoại thông minh
Theo Sở TN-MT TPHCM, TP đang phát triển nhanh, kèm theo là lượng rác thải rất lớn mỗi ngày; trong khi khâu phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải còn nhiều khó khăn, bất cập. Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải, thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để thực hiện PLRTN. Hiện hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được đưa lên ứng dụng Play store của hệ điều hành Android hoặc Apps store của hệ điều hành IOS. Người dân chỉ cần sử dụng các dòng điện thoại thông minh tìm kiếm ứng dụng với từ khóa “phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”, tải về và cài đặt. Trong hướng dẫn, chất thải hữu cơ dễ phân hủy bao gồm bã mía, bã trà, cà phê, bã trà túi lọc, thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng, các thành phần thải bỏ của nguyên liệu thực phẩm, các loại vỏ hạt, hoa, cỏ… được cho vào túi màu xanh có dán nhãn, trước khi chuyển cho đơn vị thu gom. Các loại thực phẩm này sẽ được xử lý thành phân compost. Còn chất thải có khả năng tái chế gồm tạp chí, sách báo, giấy, đồ dùng bằng nhựa, các loại đồ vật bằng cao su, kim loại, vỏ hộp giấy, đồ dùng bằng thủy tinh…. được phân loại và tái sử dụng, tái chế. Các chất thải còn lại được cho vào túi màu xám, vận chuyển đến nơi xử lý để chôn lấp hoặc đốt.
Trao đổi về lĩnh vực này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết trong kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020, TP đã đề ra chỉ tiêu 100% người dân được tiếp cận thông tin về bảo vệ môi trường; chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tối thiểu 2 nhóm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy và chất thải còn lại. Tỷ lệ đối tượng thực hiện phân loại đúng quy định đạt tối thiểu 50% đến năm 2020, tăng dần vào các năm tiếp theo và đạt tối thiểu 80% vào năm 2025. Để hoàn thành chỉ tiêu này, bên cạnh các hoạt động thông tin truyền thống hiện nay như phát hành banner, tờ rơi, áp phích để cung cấp thông tin đến người dân thì việc xây dựng phần mềm hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn trên điện thoại thông minh trong thời đại công nghệ số là rất cần thiết để người dân dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận thông tin, các hướng dẫn để thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Đồng thời, phần mềm này cũng là nội dung triển khai của Sở TN-MT khi thực hiện đề án “Đô thị thông minh” đã được UBND TPHCM phê duyệt. Để phổ biến rộng rãi ứng dụng đến người dân, Sở TN-MT sẽ triển khai đến từng quận, huyện, từ đó phổ biến đến từng phường xã, tổ dân phố, hộ gia đình. Sở TN-MT mong muốn tiếp nhận được nhiều thông tin đóng góp của người dân để tiếp tục hoàn thiện các nội dung trong ứng dụng, theo hướng giúp người dân sử dụng dễ dàng và thuận tiện nhất, áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Thời gian tới, Sở TN-MT sẽ nghiên cứu các phần mềm ứng dụng về giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và phổ biến đến người dân để cùng kiểm tra, giám sát các công đoạn này, tạo sự chuyển biến thực sự của người dân đối với vấn đề rác thải cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng nhấn mạnh thêm, việc thay đổi ý thức của cư dân trong vấn đề PLRTN là bài toán nan giải, muốn triển khai hiệu quả trên quy mô lớn cần có sự đồng lòng của chính quyền và người dân.
Song hành giải pháp tuyên truyền và chế tài
Việc thực hiện PLRTN hiện nay đang còn tồn tại nhiều khó khăn, như tỷ lệ phân loại đúng không đồng đều, không ổn định. Hình thức tuyên truyền cũng chưa đa dạng, chủ yếu là tờ bướm, sổ tay tuyên truyền, băng rôn...
Các hình thức trên sử dụng tiếng Việt chưa phù hợp với một số khu vực đông người Hoa (quận 5), người nước ngoài (quận 1, 3) sinh sống. Mặt khác cũng chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa lực lượng thu gom dân lập, hợp tác xã với công ty dịch vụ công ích các quận, huyện nên một số nơi còn tình trạng đổ chung rác thải đã phân loại với nhau khi về điểm tập kết (quận 2, huyện Hóc Môn)...
Để đưa chủ trương PLRTN đi sâu vào thực tiễn, một mặt cần phải thay đổi cách tuyên truyền thu hút hơn, thường xuyên và sâu rộng hơn với nhiều hình thức đa dạng phong phú trực quan, phù hợp thực tế từng đối tượng có thể tổ chức tham quan các nhà máy xử lý rác, trạm ép rác kín. Đồng thời lồng ghép nội dung PLRTN vào các hoạt động giáo dục tại các cấp học; trang bị đầy đủ, đồng bộ thùng rác tại khu vực công cộng, khu dân cư... để dần đưa người dân vào quy củ, buộc phải thực hiện; xây dựng cơ chế chính sách quản lý và hỗ trợ lực lượng thu gom dân lập trong chuyển đổi mô hình hoạt động. Mặt khác, phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát sau thời gian hướng dẫn, nhắc nhở và cần xử lý đối với chủ nguồn thải, lực lượng thu gom, vận chuyển thường vi phạm để chương trình được duy trì tốt.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban đô thị HĐND TPHCM
Đẩy mạnh tuyên truyền
Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về việc PLRTN, đến nay quận 5 đã triển khai tại 5 phường và tư vấn cho hơn 1.000 người tham gia thực hiện phân loại rác. Trong đó, chú trọng đến các tổ chức như trường học, chợ, khu phố... Quận cũng đã thành lập ban chỉ đạo từ cấp quận đến cấp phường để cùng thực hiện chương trình. Trong thời gian tới, quận tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, khuyến khích hỗ trợ người dân thực hiện tốt PLRTN theo chỉ đạo của TP.
Ông Phạm Duy Khang, Trưởng phòng TN-MT quận 5
Tập trung nâng cao nhận thức cho người dân
Quận 12 triển khai công tác PLRTN từ rất sớm, đến nay đã đạt được những kết quá tích cực. Trong năm 2017, có khoảng 30% người dân thực hiện PLRTN. Song, do đặc điểm là quận có tốc độ đô thị phát triển nhanh, dân số cũng tăng nhanh (dân nhập cư) nên việc nâng cao nhận thức cũng gặp nhiều thách thức. Mặc dù vậy, quận cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền để kêu gọi người dân tích cực tham gia phân loại rác đúng quy định. Năm 2018, quận đặt mục tiêu sẽ có khoảng 50% dân số thực hiện PLRTN.
Ông Đặng Hải Bình, Phó phòng TN-MT quận 12
Hiện đại hóa trang thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý rác
Trong bối cảnh TPHCM đang nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị cũng chuyển đổi hoạt động theo hướng hiện đại hóa trang thiết bị để nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn TP. Cụ thể, với trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn, công ty đã đầu tư xe ép kín chuyên dụng.
Việc đưa loại xe ép kín chuyên dụng vào hoạt động sẽ từng bước giúp giảm ô nhiễm thứ cấp trong quá trình vận chuyển, không làm phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác trong quá trình vận chuyển. Không dừng lại ở hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn, với hoạt động thu gom và xử lý chất thải y tế cũng được công ty đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu xử lý ngày càng cao của TP.
Từ năm 2013, công ty đã đầu tư triển khai xây dựng mô hình khu phố xanh kiểu mẫu, hỗ trợ người dân thực hiện và duy trì thói quen PLRTN ở quận Tân Phú và hiện đã có hơn 2.000 hộ gia đình tại đây thường xuyên thực hiện PLRTN và chuyển giao đúng lịch hẹn cho đội ngũ vệ sinh thu gom.
Ông Cao Văn Tuấn, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM
HÀ VĂN (ghi)