Theo đại diện UBND quận 9, để chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giai đoạn 2017-2020 đi sâu vào hoạt động đời sống của người dân, góp phần hình thành thói quen sống thân thiện với môi trường trong cộng đồng, quận đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền trên các tuyến đường chính, trụ sở UBND các phường; trình diễn các tiểu phẩm hướng dẫn phân loại rác; hỗ trợ trên 100 thùng rác công cộng 2 ngăn, phục vụ việc phân loại rác tại các tổ dân phố, khu phố. Ngoài ra, UBND quận cũng thông tin đến lực lượng thu gom rác về cách thức, phương pháp, tần suất thu gom; yêu cầu có biện pháp thu gom riêng biệt 2 loại chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian chờ ban hành mẫu phương tiện chung.
Về phía Công ty Dịch vụ công ích quận 9 (đơn vị quản lý vận hành các trạm trung chuyển trên địa bàn) phải bố trí khu vực tiếp nhận số rác còn lại, rác cồng kềnh tại trạm trung chuyển Long Hòa, rác hữu cơ tại trạm Phước Long A và Long Trường.
Theo bà Lê Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch UBND quận 9, việc thu gom, phân loại rác tại nguồn trên địa bàn quận 9 phần lớn do các tổ rác dân lập và hợp tác xã thu gom rác thực hiện. Một phần nhỏ do Công ty Dịch vụ công ích quận 9 thu gom.
Phương tiện thu gom của tổ rác dân lập và hợp tác xã đa phần thô sơ, không đảm bảo vệ sinh môi trường (xe ba gác, xe lam, xe tải nhỏ); do đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn, UBND quận 9 đã kiến nghị UBND TPHCM hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập, hợp tác xã về bảo hiểm y tế, lãi suất vay vốn để chuyển đổi phương tiện.
Song song đó, sớm xem xét đầu tư 2 trạm ép rác kín tại phường Long Trường và Khu công viên Lịch sử Văn hóa - Dân tộc, sử dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo vệ sinh môi trường. Riêng trong năm 2018, quận 9 sẽ tập trung đẩy mạnh công tác phân loại trên địa bàn phường Phước Bình, tiến tới mở rộng triển khai đến phường Phước Long A, Phước Long B và Phú Hữu. Phấn đấu đạt tỷ lệ phân loại trên 50% đối tượng hộ gia đình và ngoài hộ gia đình.