Chung tay ngăn chặn nạn đói

Theo một báo cáo vừa được Liên hiệp quốc (LHQ) công bố, năm 2022, hơn 258 triệu người tại 58 quốc gia trên thế giới phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng nhất trong 7 năm qua.
Người dân Yemen vây quanh một bếp ăn từ thiện
Người dân Yemen vây quanh một bếp ăn từ thiện

Bản cáo trạng nhức nhối

Năm 2022 là năm thứ 4 liên tiếp số người đối mặt nạn đói tăng cao ở giai đoạn 3 (nghiêm trọng) theo phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) của LHQ - một công cụ để cải thiện việc phân tích, đánh giá và ra quyết định về an ninh lương thực.

Trong tổng số hơn 258 triệu người đối mặt với nạn đói, 108 triệu người ở 5 quốc gia là CHDC Congo, Ethiopia, Afghanistan, Nigeria và Yemen phải trải qua giai đoạn 3 của IPC. Tiến sĩ Manenji Mangundu, Giám đốc tổ chức Oxfam Nam Sudan, cho hay, nạn đói hoành hành tại khu vực này nghiêm trọng đến mức các bé gái mới 11 tuổi đã bị ép kết hôn, để đổi lại gia đình các em có được một khoản tiền.

Cuộc xung đột ở Ukraine, biến đổi khí hậu, các tác động tiêu cực đến kinh tế do dịch Covid-19 là những nguyên nhân chính dẫn đến nạn đói trên thế giới và gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Ukraine được xem là vựa lúa mì của châu Âu. Riêng Somalia, một trong những quốc gia cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn đói, nhập khẩu khoảng 90% lúa mì từ Ukraine. Cuộc xung đột tại Ukraine khiến số lượng các chuyến hàng xuất khẩu lúa mì giảm đáng kể, đẩy giá lương thực tăng cao. Hậu quả của cuộc xung đột này càng trở nên trầm trọng hơn do tác động của dịch Covid-19 và gây ra nạn đói ở 27 quốc gia với 84 triệu người bị ảnh hưởng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu cũng làm ảnh hưởng đến 57 triệu người ở 12 quốc gia.

Hành động sớm

Theo bà Emily Farr, người đứng đầu về an ninh lương thực và kinh tế của Oxfam, nạn đói xảy ra thời gian qua hoàn toàn có thể tránh được nếu cộng đồng quốc tế “thực sự lắng nghe”. “Rất nhiều tổ chức đã cảnh báo trong nhiều năm qua vì nạn đói mới nhất này là một phần của chu kỳ đói nghèo kéo dài”, bà Farr nói.

Để ngăn chặn nạn đói tồi tệ hơn nữa xảy ra, các chuyên gia kêu gọi cộng đồng quốc tế sớm hành động. Theo đó, cần nâng cao nhận thức cho các cộng đồng về cách thích ứng với biến đổi khí hậu, vốn ảnh hưởng đến sản xuất lương thực; giải pháp tăng thu nhập cho người dân và hỗ trợ các sáng kiến ​​​​hòa bình. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các nguyên nhân gây mất an ninh lương thực như cuộc xung đột ở Ukraine.

Bà Farr cho biết: “Giải quyết nạn đói nghe có vẻ quá sức, nhưng chúng tôi biết điều gì hiệu quả để đáp ứng nhu cầu trước mắt của mọi người và đưa cộng đồng trở lại đúng hướng cho tương lai. Chúng ta cần cung cấp thực phẩm và tiền cho những người có nhu cầu ngay từ bây giờ để hỗ trợ họ khôi phục sinh kế…”. Khi đã ngăn chặn điều tồi tệ nhất xảy ra trong hiện tại, cần hợp tác với các cộng đồng để ngăn chặn điều này xảy ra trong tương lai.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã gọi bản báo cáo là cáo trạng nhức nhối về sự thất bại của nhân loại trong việc hướng tới mục tiêu giảm tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói trong Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Tin cùng chuyên mục