Hơn 90% hàng nội tại hệ thống bán lẻ
Ghi nhận từ một số hệ thống bán lẻ như Saigon Co.op, MM Mega Market, Central Retail Việt Nam… cho thấy, từ 90%-95% thực phẩm tươi sống, rau quả… có xuất xứ trong nước. Đây thực sự là những con số ấn tượng, cho thấy độ “phủ sóng” rộng khắp của nông sản Việt. Ở thời điểm hiện tại, chương trình “Tuần hàng xoài Đồng Tháp” đang diễn ra tại 48 siêu thị gồm GO!, BigC, Tops Market (thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam) do Sở Công thương Đồng Tháp phối hợp tổ chức từ nay đến ngày 17-5, nhằm kích cầu tiêu dùng, quảng bá cho hàng Việt. Với tổng diện tích khoảng 14.000ha, xoài Đồng Tháp cung ứng rộng rãi cho các tỉnh, thành cũng như xuất khẩu (năm 2022 đạt 2.700 tỷ đồng) sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… Phần lớn các mặt hàng đều dán tem truy xuất nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap hoặc trồng theo hướng hữu cơ.
“Xoài chất lượng, ngọt thanh, trong lượng từ 0,6-1kg tùy loại. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng trái cây tươi, thực phẩm OCOP từ các tỉnh Tây Nguyên, ĐBSCL, Hà Giang… cũng được bày bán khá nhiều tại siêu thị với mức giá phù hợp. Vừa mua ăn vừa làm quà biếu, tặng cũng chất lượng”, chị Lê Thị Ngọc Tý mua hàng tại siêu thị GO! An Lạc (quận Bình Tân) nhận xét.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail, cho biết, chương trình dự kiến tiêu thụ khoảng 66 tấn xoài, nâng tổng sản lượng tiêu thụ xoài Đồng Tháp trong năm nay lên 200 tấn. Hiện tại, hệ thống siêu thị đang áp dụng khuyến mãi giảm giá từ 20%-36% cho sản phẩm xoài chủ lực của tỉnh Đồng Tháp cũng như các sản phẩm chế biến từ xoài, gồm sinh tố xoài, trái cây cắt sẵn. Giá bán xoài cát chu 21.900 đồng/kg, cát Hòa Lộc 39.900 đồng/kg…
“Không chỉ có xoài, mà nhiều nông sản khác như vải, sầu riêng, măng cụt, bơ, khoai lang… của các tỉnh, thành trên khắp Việt Nam đều được tiêu thụ rất tốt vào từng mùa vụ trong năm tại hệ thống phân phối của chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Bích Vân thông tin.
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng chủ động đưa các mặt hàng trái cây đặc sản Việt Nam như vải thiều, nhãn, dưa lưới… phục vụ trên các chuyến bay trong nước và quốc tế nhằm góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Trước đó, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opFood, MM Mega Market... cũng đồng loạt tổ chức nhiều sự kiện lễ hội trái cây đặc sản khác nhằm quảng bá hàng trong nước. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart, cho biết, đơn vị đã và đang thu mua hàng hóa của hơn 200 nhà cung cấp thuộc khu vực ĐBSCL, đặc biệt là nông sản thiết yếu, hướng đến xuất khẩu sang các nước khác.
Gỡ vướng để vươn xa
Vài năm trở lại đây, các thương hiệu như bột rau Quảng Thanh, mật ong rừng Xuân Nguyên… không chỉ được biết đến trong nước mà còn lan tỏa đến nhiều khách hàng tại các thị trường khó tính trên thế giới. Chị Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên (Tân An Hội, Chủ Chi), chia sẻ, các sản phẩm bột rau má sấy lạnh, bột diếp cá, bột lá sen… mang tên Quảng Thanh đã được TPHCM công nhận Ocop 4 sao, là những đứa con tinh thần đầy tự hào. Hay như sản phẩm bơ đậu phộng mịn, có hạt của Công ty TNHH Đạt Butter; mật ong rừng, sữa ong chúa, hà thủ ô 5 trong 1 của Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên… được nhiều người yêu mến.
Mặc dù nông sản Việt Nam khá phong phú, nhưng muốn vươn xa, cạnh tranh được tại thị trường các quốc gia khác trên thế giới thì cần hướng đi bài bản và bền vững. Anh Nguyễn Văn Lân, hướng dẫn viên du lịch chuyên đón khách quốc tế vào Việt Nam, cho biết sẽ tùy tâm lý và sở thích của khách để phục vụ họ chu đáo. “Ví dụ, khách Việt kiều về TPHCM rất thích khô cá dứa, cá lù đù Cần Giờ, mật dừa nước, bưởi da xanh Bình Chánh… Khách Việt Nam thích sầu riêng, mít mật tươi hoặc sấy khô giữ nguyên hương vị, nhưng một số khách châu Âu lại thích trái cây sấy nhẹ mùi. Ngoài ra, bao bì đóng gói cũng cần trình bày sao cho hấp dẫn, vừa bảo quản tốt vừa thân thiện môi trường”, anh Nguyễn Văn Lân nêu ý kiến.
Chia sẻ với PV Báo SGGP, lãnh đạo một tập đoàn bán lẻ lớn tại Việt Nam nhận xét, hương vị trái cây đặc sản của Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các quốc gia khác. Nhưng hạn chế lớn nhất của hàng Việt chính là khả năng quảng bá, “đánh” vào thị giác của khách hàng, nhất là sản phẩm chế biến chuyên sâu. Vì người mua chỉ lướt qua gian hàng và ra quyết định trong khoảng 3 giây để chọn hay không. Bổ sung nhận định này, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail, cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần có sự chăm chút đầu tư cho vẻ ngoài của sản phẩm một cách chuyên nghiệp hơn.
Nhiều nông sản đạt chuẩn Ocop
Theo ước tính của Bộ NN-PTNT, cả nước có khoảng 8.500 sản phẩm được công nhận chuẩn Ocop 3 sao trở lên theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP - One commune one prouct). Ngoài ra, các địa phương cũng đánh giá và công nhận 65 sản phẩm Ocop thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Tại TPHCM, thống kê của Sở NN-PTNT TPHCM cho thấy, toàn thành phố hiện có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm Ocop, trong đó có 6 sản phẩm đạt 3 sao và 21 sản phẩm đạt 4 sao.