Vào tháng 3-2019, Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam chính thức được thành lập với 48 thành viên do đồng chí Lê Hồng Liêm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng làm Trưởng ban. 5 năm qua, ban liên lạc đã định hình nên 10 nội dung cũng là 10 chương trình hoạt động chủ yếu của ban; trong đó, đáng chú ý là chương trình Sách và Văn hóa đọc.
Từ năm 2020, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn, bên cạnh các hoạt động truyền thống, Thường trực Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam đã quyết định vận động phong trào hiến tặng sách trong cựu cán bộ Đoàn và thân hữu, với mục tiêu có 9 tủ sách, mỗi tủ sách có 99.000 đầu sách, để gửi tặng cộng đồng. Sau gần 3 năm, ban liên lạc đã trao gần 60 thư viện cho các xã, phường, thị trấn, trường học, cơ quan, đơn vị thuộc 34 tỉnh, thành phía Nam và huyện Đông Hưng (Thái Bình); tặng hơn 10.000 cuốn sách cho các đồn biên phòng thuộc tỉnh Bình Phước. Đến nay, ban liên lạc đã vận động được hơn 70.000 đầu sách các loại.
Không chỉ nhận được sự hưởng ứng từ các cựu cán bộ Đoàn phía Nam, chương trình còn nhận được những đóng góp tích cực từ các cá nhân và tổ chức như CLB sách Sài Gòn, NXB Chính trị quốc gia Sự Thật, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, NXB Tổng hợp TPHCM, Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam… Đặc biệt, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã trao tặng 16 thùng sách giá trị.
Kể từ khi thành lập, Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam còn phát động cuộc thi viết Một thời tuổi trẻ hào hùng và in được 4 cuốn sách mà tác giả là các cựu cán bộ Đoàn. Ngoài Kỷ yếu Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam còn có Nhớ một thời tuổi trẻ hào hùng, Sống mãi tuổi hai mươi và Đường chúng tôi đi. Ban cũng vận động tài trợ in sách Hồ Chí Minh ngọn hải đăng vĩnh cửu của tác giả Hoàng Xuân Huy và Thanh xuân của tôi của tác giả Ngô Tấn Quân. Cùng với đó là những chương trình giới thiệu sách của các cựu cán bộ Đoàn như Sỹ Ẩn, Lê Quang Thành, Phan Minh Tánh, Lê Công Cơ, Trần Văn Nhiệm, Hoàng Xuân Huy, Ngô Tấn Quân…
Theo TS Quách Thu Nguyệt, Phó Trưởng ban Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam, nhiều công trình nghiên cứu khẳng định đọc chính là học, đọc chính là phát triển tri thức. Một dân tộc nếu không phát triển văn hóa đọc thì dân tộc đó khó mà phát triển. “Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và nền kinh tế tri thức, hơn lúc nào hết, dân trí có phát triển, đất nước mới phát triển. Do vậy, cần tạo lập một xã hội học tập suốt đời chính là tạo dựng một thói quen đọc sách toàn dân”, TS Quách Thu Nguyệt nhấn mạnh.