Hội nghị nhằm chia sẻ thông tin trong báo cáo đặc biệt của IPCC về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5oC và các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu, cùng với nỗ lực của Việt Nam trong bối cảnh BĐKH đang gia tăng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành nhận định: “Việc IPCC lựa chọn Việt Nam để công bố báo cáo đặc biệt của IPCC về tác động của việc ấm lên toàn cầu 1,5oC là một sự kiện quan trọng, giúp chúng ta hiểu hơn về tác động của biến đổi khí hậu để tìm ra các biện pháp thích ứng và tiếp tục phát triển bền vững đất nước”.
Báo cáo nêu bật một số tác động của BĐKH có thể tránh được bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu, chẳng hạn như đến năm 2100, mực nước biển dâng toàn cầu sẽ thấp hơn 10cm với sự nóng lên toàn cầu là 1,5oC so với 2oC. Khả năng xảy ra băng tan ở Bắc Băng Dương trong mùa hè sẽ chỉ có 1 lần trong mỗi thế kỷ với sự nóng lên toàn cầu là 1,5oC, so với ít nhất 1 lần mỗi thập kỷ với mức tăng là 2oC. Rạn san hô sẽ giảm 70% - 90% khi nhiệt độ toàn cầu tăng 11,5oC, trong khi hầu như tất cả (> 99%) sẽ bị mất đi khi nhiệt độ tăng 2oC.
“Việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội… Đổi lại, với lợi ích rõ ràng đối với người dân và hệ sinh thái tự nhiên, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5oC so với 2oC có thể đi đôi với việc đảm bảo một xã hội bền vững và công bằng hơn”, Chủ tịch IPCC Hoesung Lee nói.