Chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch

Trong khuôn khổ hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2019, vào ngày 23 và 24-3, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM triển khai chương trình “Thách thức xanh”. 
Chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch

Chương trình đã thu hút hơn 500 tình nguyện viên đăng ký tham gia thực hiện dọn rác ở dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và chợ Nông sản thực phẩm Thủ Đức. Đây cũng là hoạt động nhằm vận động cộng đồng ý thức hơn trong hành vi ứng xử với môi trường, cũng như bảo vệ nguồn nước sạch vốn đang ngày càng cạn kiệt.

Giảm rác thải, giảm nguy cơ ô nhiễm

Từ nhiều năm qua, Ban tổ chức Chiến dịch Giờ Trái đất phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, UBND quận 1, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh… thực hiện rất nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân sống dọc tuyến kênh không thực hiện xả rác xuống kênh. Tuy nhiên, tình trạng vứt thẳng rác xuống kênh vẫn còn khá phổ biến. Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, trung bình mỗi ngày, lượng rác thải công ty vớt trên hệ thống tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khoảng 10 tấn. Lượng rác thải này cũng tăng hàng năm 10% - 15%. Nguyên nhân là do một bộ phận các hộ dân sống dọc tuyến kênh vẫn duy trì thói quen vứt rác ra kênh. Một phần khác do những người dân buôn bán vãng lai đã đổ thẳng rác xuống kênh. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, rác thải công nghiệp hoặc đồ nội thất có kích thước lớn và nặng cũng được người dân vứt bỏ xuống kênh.

Các tình nguyện viên vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
 Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam,  cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức xử lý rác thải. Hiện lượng chất thải trên địa bàn cả nước phát sinh khoảng 12,8 triệu tấn/năm và con số này sẽ tăng lên 12%/năm. Mặt khác, lượng rác thải thu gom chỉ đạt khoảng 85,5% (đối với khu vực đô thị) và 45,5% (khu vực nông thôn). Số còn lại thải bỏ thẳng ra môi trường. Ngay cả với khối lượng rác được thu gom thì biện pháp xử lý cũng rất lạc hậu, phần lớn được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, phát sinh nguy cơ ô nhiễm cục bộ tại các khu vực tiếp nhận và xử lý. Theo ông Hòa, hiện cả nước đang tồn tại 660 bãi chôn lấp rác thải có diện tích trên 1ha, nhưng chỉ khoảng 25% trong số đó đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh.


Tăng cơ hội tiếp cận nước sạch cho cộng đồng

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nói riêng và hệ thống kênh rạch cả nước nói chung cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải sản xuất, y tế và sinh hoạt chưa qua xử lý thải ra. Chỉ tính riêng tại TPHCM, khảo sát do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM năm 2018 cho thấy, hầu hết nguồn nước mặt hệ thống kênh rạch đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân là do tiếp nhận lượng lớn nước thải đã qua xử lý lẫn chưa qua xử lý của hầu hết các khu chế xuất, khu công nghiệp, cơ sở y tế, khám chữa bệnh, nhất là nước thải của 13 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn các quận 7, 8, 12, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. Ngoài ra, hệ thống kênh rạch thành phố còn là nơi vừa tiếp nhận, vừa dẫn nguồn thải cho hơn 1.750.000m³ nước thải sinh hoạt mỗi ngày.

Ông Trương Khắc Hoành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư nước Tân Hiệp, cho biết nguồn nước thô ở sông Sài Gòn, Đồng Nai được dùng để xử lý thành nước cấp sinh hoạt cho hơn 20 triệu người dân sống ở các khu vực phía Nam đang có chiều hướng gia tăng ô nhiễm. Nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng nước thải từ các khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp hoạt động dọc hệ thống sông. Một phần khác là nguồn nước đang bị lẫn một lượng lớn rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải nhựa rất khó lọc và xử lý. 

Trước thực trạng trên, Chương trình “Thách thức xanh” được thực hiện trong khuôn khổ Chiến dịch Giờ Trái đất 2019 nhằm mục đích tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sinh hoạt theo hướng có lợi cho môi trường. Việc thay đổi hành vi ứng xử với môi trường của cộng đồng theo hướng giảm thiểu rác thải, thải bỏ rác đúng nơi quy định, thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom… là một trong số những giải pháp tích cực để giảm thiểu những nguy cơ ô nhiễm môi trường nói chung và nguồn nước nói riêng. Đây cũng là một trong các hoạt động giúp tăng cơ hội tiếp cận nguồn nước sạch cho cộng đồng.

Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, hiện có đến 80% nguồn nước mặt ở các kênh rạch, sông hồ của cả nước đang bị suy giảm chất lượng. Trong thời gian qua, bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ người dân tiếp cận nước sạch nhưng cũng chỉ mới có hơn 80% người dân được tiếp cận. Phần còn lại vẫn phải đang sử dụng nguồn nước suy giảm chất lượng, thậm chí là ô nhiễm các chất độc hại như arsen. Đặc biệt, nguồn nước ở hầu hết các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề đều đã bị ô nhiễm.

Tin cùng chuyên mục