Xanh hóa sản xuất
Theo ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc điều hành marketing, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), để hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Vinamilk đã thực hiện nhiều kế hoạch hành động, đẩy nhanh các tiến trình góp phần thực hiện mục tiêu này. Theo đó, Vinamilk xác định, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực có nhiều tác động trực tiếp đến môi trường, nên đã nỗ lực để tạo ra tác động tích cực và giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến tự nhiên trong hoạt động của mình.
Bằng việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, tư duy về nông nghiệp bền vững, các trang trại bò sữa của Vinamilk hiện nay đều đang có được môi trường xanh - sạch - trong lành, 100% các trang trại Green Farm sử dụng năng lượng mặt trời; hệ thống xử lý chất thải hiện đại cùng công nghệ biogas giúp giảm thiểu đáng kể lượng phát thải CO2; chuyển hóa chất thải thành các tài nguyên như phân bón hữu cơ cho đồng cỏ, khí mêtan để thanh trùng sữa cho bê, sấy cỏ làm thức ăn cho đàn bò; đất, nguồn tài nguyên có vai trò quan trọng trong nông nghiệp được quản lý tối ưu với vòng tuần hoàn tái tạo đất.
Các trang trại Green Farm đều thực hiện canh tác theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu và ứng dụng vòng tuần hoàn tái tạo đất để quản lý tài nguyên. Diện tích mảng xanh tại các trang trại Green Farm được duy trì tỷ lệ bao phủ trên 70%. Cây xanh được trồng xung quanh để tạo vành đai sinh học của trang trại, giúp bảo vệ hệ sinh thái và hạn chế các tác động từ môi trường bên ngoài.
Ông Nguyễn Quang Trí cho biết thêm, tại Hội nghị sữa toàn cầu lần thứ 15 được tổ chức tại Pháp vào tháng 6 vừa qua, với sự tham dự của gần 200 tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới, Vinamilk là đại diện duy nhất của ngành sữa Việt Nam và Đông Nam Á được mời để chia sẻ về định hướng phát triển bền vững thông qua mô hình trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm và chuỗi giá trị xanh, là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực của Vinamilk. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng năng lượng xanh như từ khí nén thiên nhiên (CNG), nhiên liệu sinh khối (biomass), năng lượng mặt trời thay thế cho các nhiên liệu như xăng, dầu DO/FO… trong hoạt động sản xuất tại Vinamilk hiện đạt gần 87%, góp phần tích cực vào mục tiêu giảm phát thải CO2.
Nếu như Vinamilk đã và đang đẩy mạnh xây dựng mô hình Green Farm khép kín, hiện đại thì Tập đoàn dầu khí Việt Nam ((Petrovietnam) đang đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức để thực hiện chuyển dịch năng lượng trong quá trình sản xuất. Đại diện Petrovietnam cho biết, để hiện thực hóa cam kết cùng Chính phủ về việc cắt giảm khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, Petrovietnam đã triển khai việc ký ghi nhớ với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về hợp tác trong chuyển dịch năng lượng. Bản ghi nhớ đặt nền móng cho các hoạt động hợp tác giữa Petrovietnam và ADB trong các lĩnh vực như chiến lược và lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh; thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon; phát triển công nghiệp khí hydro và điện gió ngoài khơi. Việc thực hiện chuyển dịch năng lượng của Petrovietnam được chia thành 12 nhóm nhiệm vụ liên quan đến năng lượng tái tạo; giảm phát thải khí nhà kính; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng
Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nói chung và cắt giảm khí nhà kính nói riêng không chỉ là trách nhiệm của DN mà còn giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Phát huy được vai trò của DN chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay. Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT, cho biết, trong các nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính từ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN luôn chiếm tỷ trọng lớn. Giảm phát thải đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với DN trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Sự tham gia của DN rất quan trọng, không chỉ vì DN là một trong những đối tượng trực tiếp liên quan đến phát thải khí nhà kính mà DN còn có khả năng đóng góp nguồn lực tài chính và công nghệ trong mục tiêu giảm phát thải. Hiện nay, Bộ TN-MT cùng các bộ ngành liên quan đang khẩn trương hoàn thiện quy định kỹ thuật cũng như xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để DN thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH-ĐT, cũng nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với DN để giảm thiểu tác hại tiêu cực lên môi trường và hướng tới phát triển bền vững. Thực tế này đòi hỏi các DN cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về các quy định và giải pháp liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính. Việc thực hiện các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), đặc biệt cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Vì vậy, sự chủ động tham gia của DN được xem là “chìa khóa vàng” để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Mặt khác, Chính phủ cũng đã ban hành danh sách gần 2.000 DN phải thực hiện thí điểm việc báo cáo phát thải khí nhà kính vào năm 2025. Các DN, nhất là DN sản xuất có cường độ phát thải lớn sẽ phải “chuyển mình”. Bộ KH-ĐT cũng đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ triển khai dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN. Dự án với tổng ngân sách 36 triệu USD được thực hiện trong 5 năm (2021-2025). Trong đó, sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ DN thực hiện giảm phát thải khí nhà kính được lồng ghép trong các hợp phần.