Hồi chuông báo động
Ngày 8-12, bé gái N.N.T.A. (15 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) được Bệnh viện quận 8 chuyển tới Bệnh viện Hùng Vương, TPHCM với chẩn đoán ban đầu: chảy máu đường sinh dục. Bé A. cho biết, trước đó bé được mời đến dự tiệc trưa cùng nhóm bạn (6 nam, 2 nữ), dẫn đến bị say rồi ngủ li bì. Chiều cùng ngày, khi A. thức dậy thì thấy máu ra nhiều ở âm đạo, được bạn đưa đến bệnh viện thăm khám. Bác sĩ kết luận A. bị xâm hại tình dục.
“Sau khi chuyện xảy ra, tôi đã báo công an phường để dứt khoát đưa vụ việc con tôi bị xâm hại ra ánh sáng”, chị T. (mẹ của A.) kể.

Nắm bàn tay chằng chịt gân xanh, gương mặt xanh rớt của con đang khó nhọc với cái bụng to vượt mặt, chị L. vẫn chưa hết bàng hoàng nói trong nước mắt: Con tôi (V.T.V., 15 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) có thai đã 7 tháng. Thấy con chăm ngoan, chịu khó học tập nên gia đình không khắt khe chuyện con chơi với bạn. Gần đây, thấy con có dấu hiệu bất thường, tôi gặng hỏi thì con nói quen bạn học lớp 10 qua mạng được 3 tháng, cả hai có đưa nhau vào nhà nghỉ. Gia đình họ tìm tới thương lượng, xin lo hết chi phí điều trị, tinh thần cho cháu nhưng gia đình tôi dứt khoát từ chối và đã nhờ cơ quan pháp luật can thiệp”.
BS-CKII Phạm Quốc Hùng, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Hùng Vương, cho biết, bé V. là 1 trong 398 trường hợp trẻ em gái (từ 11 đến 17 tuổi) nghi bị xâm hại tình dục dẫn đến “trẻ em sinh ra trẻ em”, trong đó 92 trường hợp đã bỏ thai, được bệnh viện ghi nhận trong 10 tháng năm 2024. Năm 2023 có 423 ca sinh (105 ca bỏ thai) là trẻ vị thành niên và trẻ em, chiếm 1,21% tổng số người mang thai tới điều trị.
Còn ghi nhận riêng của đơn vị Bồ Công Anh (mô hình thí điểm theo Quyết định số 4275/QĐ-UBND ngày 7-12-2022 của UBND TPHCM hướng đến một thành phố an toàn, thân thiện cho phụ nữ, trẻ em; đặt tại Bệnh viện Hùng Vương) cho thấy, từ tháng 3-2023 đến hết tháng 11-2024 có 154 trường hợp trẻ em gái bị xâm hại tình dục dẫn đến có thai ngoài ý muốn.
Trong đó, 13 trường hợp báo công an, tố giác hoặc đi kiện; số còn lại gia đình không muốn báo công an, che giấu hoặc báo công an nhưng sau đó bãi nại, muốn giám định thương tật, muốn được hỗ trợ hoặc tạm lánh, không chia sẻ thông tin.
Đẩy mạnh giáo dục, bảo vệ trẻ
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng Cơ quan thường trực phía Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, khẳng định, công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số tồn tại, như: tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp; vấn đề bạo lực trong gia đình vẫn xảy ra; vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cũng rất đáng lo ngại…
Với chức năng nhiệm vụ của mình, hội tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hướng dẫn cha mẹ về phương pháp giáo dục tích cực, không sử dụng bạo lực đối với con trong gia đình. Đặc biệt tham gia bảo vệ quyền cho trẻ em bị xâm hại, quyết tâm đưa các đối tượng xâm hại trẻ ra ánh sáng, qua đó góp phần quan trọng trong phòng chống bạo lực trẻ em và giúp trẻ em được phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở LĐTB-XH TPHCM, thông tin, TPHCM có gần 2 triệu trẻ em, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là trẻ em di cư theo cha mẹ từ các tỉnh, thành phố khác về TPHCM sinh sống, học tập. Do đó ngành LĐTB-XH luôn xác định việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành.
Theo bà Kim Thanh, người dân có thể liên hệ UBND hoặc công an phường, xã, thị trấn nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi trẻ em cư trú qua các số điện thoại 113 (Công an TPHCM); 1900545559 (Trung tâm công tác xã hội trẻ em TPHCM); 18009069 (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM); 111 (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em); hay cơ quan LĐTB-XH các cấp để nhận sự hỗ trợ khi nghi ngờ trẻ bị xâm hại.
Đồng thời, để đảm bảo an toàn, kịp thời điều trị cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại, Sở LĐTB-XH TPHCM đã phối hợp ra mắt “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em”. “Đầu vào” của mô hình là đơn vị Bồ Công Anh, được đặt tại Bệnh viện Hùng Vương.
Khi người bệnh đến khám và điều trị tại đây, trong trường hợp bác sĩ phát hiện các dấu hiệu của bạo lực, xâm hại thì sẽ báo cho Phòng Công tác xã hội của bệnh viện. Sau đó, Phòng Công tác xã hội sẽ triển khai quy trình tư vấn, hỗ trợ nạn nhân chấm dứt bạo lực, xâm hại. Những nạn nhân có nhu cầu tạm lánh, tránh xa thủ phạm sẽ được cán bộ chương trình chuyển về Trung tâm Công tác xã hội và Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM chăm sóc.
Các chuyên gia khuyến cáo, để ngăn chặn chuyện “trẻ em sinh ra trẻ em”, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành và sự chung tay của toàn xã hội; đồng thời chú trọng hỗ trợ, cung cấp kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ, người chăm sóc và gia đình. Ngoài ra, phải đẩy mạnh truyền thông, cung cấp kiến thức về ảnh hưởng của bạo lực đối với trẻ em; tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em; phát huy vai trò của công tác Đoàn, Đội, Hội trong tư vấn, tham vấn học đường.
Theo báo cáo của Bộ Công an, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong công tác bảo vệ trẻ em, song năm 2023, toàn quốc vẫn xảy ra 2.498 vụ xâm hại trẻ em (tăng 9,2% về số vụ so với năm 2022), trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm 82,2%. Trong 8 tháng năm 2024, trên toàn quốc đã điều tra, khởi tố 1.198 vụ với 1.419 bị can liên quan đến các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em; xử lý hành chính 48 vụ, 125 đối tượng. Trong đó, 188 vụ dùng mạng xã hội để làm quen với trẻ em để xâm hại.