Chung tay đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh

Hai tuần qua, vệ sinh an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú cho học sinh (HS) nhận được quan tâm lớn của xã hội. Cùng với sự giám sát của phụ huynh, nhiều trường học đang triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho HS.
Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) giám sát chất lượng bữa ăn tại trường vào ngày 1-12
Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) giám sát chất lượng bữa ăn tại trường vào ngày 1-12

Phụ huynh cùng giám sát 

 Ngày 1-12, từ 5 giờ 20 phút sáng, 9 phụ huynh trong Ban đại diện cha mẹ HS Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) đã có mặt tại trường để kiểm tra nguồn cung thực phẩm, theo dõi các khâu sơ chế, chế biến và phân chia thức ăn cho HS. Phụ huynh Hứa Thiện Vương nhận xét, tất cả vật dụng trong bếp ăn đều bằng chất liệu inox, bố trí ở nhiều vị trí khác nhau nhưng đảm bảo quy trình chế biến thức ăn một chiều. Đội ngũ cấp dưỡng đều mang bao tay, phân chia thức ăn đã được nấu chín theo dụng cụ quy định riêng cho từng lớp. 

Cô Nguyễn Thị Kim Huyền, nhân viên bảo mẫu lớp 2/6, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết, tất cả tô, muỗng, ca uống nước của HS đều được tiệt trùng bằng máy, được đánh số thứ tự dùng riêng cho mỗi HS. Sau khi nhận thực phẩm đã nấu chín, bảo mẫu có nhiệm vụ quan sát thêm bằng mắt, xem thức ăn có lẫn dị vật hay không, dùng mũi để phát hiện mùi lạ trước khi phân chia thức ăn cho HS. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm Đỗ Ngọc Chi thông tin thêm, hàng tuần phụ huynh đều được tạo điều kiện vào trường tham gia bữa ăn bán trú cùng con. Đây là một trong những hình thức tăng cường sự phối hợp giám sát, qua đó nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho HS.

Tương tự, tại Trường Mầm non Bến Thành (quận 1, TPHCM), Hiệu trưởng Nguyễn Mai Hằng cho biết, hàng ngày khâu tiếp phẩm đều có sự giám sát của ban giám hiệu, nhân viên y tế, cấp dưỡng và đại diện đơn vị giao hàng để kiểm tra chất lượng thực phẩm trước khi chế biến. Thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn chứng từ, được cung cấp bởi các đơn vị uy tín, minh bạch về địa chỉ. Tại Trường THCS Nguyễn Văn Luông (quận 6, TPHCM), phụ huynh có nhu cầu giám sát bữa ăn bán trú có thể đăng ký với giáo viên chủ nhiệm, được hẹn thời gian, đeo bao tay, khẩu trang và đồ bảo hộ vào tham quan các khâu chế biến thức ăn, đồng thời được khuyến khích tham gia bữa ăn bán trú cùng con. 

Riêng đối với Trường THCS Minh Đức (quận 1, TPHCM), Hiệu trưởng Trần Thúy An cho biết, các buổi giám sát không cố định thời gian và nội dung mà phụ thuộc tình hình thực tế của đơn vị. Đơn cử, phụ huynh khối 6 được tạo điều kiện tìm hiểu quy trình tổ chức bếp ăn của trường trong năm đầu tiên chuyển cấp từ bậc tiểu học lên THCS. Với các khối lớn hơn, phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến tổ chức thực đơn, chất lượng dinh dưỡng bữa ăn bán trú của học sinh.  

Kết hợp nhiều giải pháp

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm Đỗ Ngọc Chi, việc lựa chọn đối tác cung cấp thực phẩm được thực hiện từ đầu tháng 7. Tất cả đối tác được lựa chọn phải có hồ sơ pháp lý đầy đủ. Nhà trường tổng hợp hồ sơ gửi về phòng GD-ĐT quận kiểm tra thêm lần nữa trước khi chính thức triển khai. Danh sách các đơn vị cung cấp thực phẩm đều được trường công khai để phụ huynh cùng giám sát. Ở góc độ khác, theo cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, việc tổ chức cho phụ huynh tham quan bếp ăn không thể làm qua loa, đại trà mà cần chuẩn bị chu đáo từ dép đi trong nhà, áo khoác chuyên dụng, khẩu trang, bao tay cho phụ huynh để vừa đảm bảo yêu cầu giám sát vừa không ảnh hưởng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong các khâu chế biến thức ăn cho HS. 

Hàng năm, Sở GD-ĐT TPHCM ký kết kế hoạch liên tịch với Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM triển khai các hoạt động giám sát, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học. Trong hai tháng đầu năm học 2022-2023, nhiều lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được tổ chức cho các trường học, bao gồm trường tổ chức bếp ăn lẫn trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn công nghiệp. Qua đó, các trường có cơ hội cập nhật quy định mới về vệ sinh an toàn thực phẩm, trao đổi kinh nghiệm tổ chức bếp ăn để nâng cao chất lượng phục vụ học sinh
Ông TRỊNH DUY TRỌNG, 
Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 (TPHCM) cho rằng, chỉ kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào và sau khi chế biến là chưa đủ, mà chất lượng thức ăn phải được kiểm tra trước khi khẩu phần ăn được phân phát đến HS cũng như phản hồi của các em về chất lượng bữa ăn đó. Vị hiệu trưởng này kể lại câu chuyện xảy ra vào cuối năm học trước như một kinh nghiệm. Đó là mặc dù tất cả nguồn gốc thực phẩm trước khi vào trường đều được kiểm soát chặt chẽ, có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng do thời tiết nắng nóng, thành phần chả lụa trong bữa ăn xế hôm đó có dấu hiệu hư hỏng. Ngay lập tức, trường phải nhanh chóng thay đổi thực đơn từ món xôi chả qua sữa hộp để đảm bảo sức khỏe cho HS.

Nhiều hiệu trưởng cho biết, ngoài sự phối hợp giám sát của phụ huynh, cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác, như chế tài mạnh hơn đối với các đơn vị không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mở rộng kênh tiếp nhận phản ánh của HS, tuyên dương các đơn vị làm tốt… để chất lượng bữa ăn bán trú cho HS được duy trì lâu bền và ổn định.

Tin cùng chuyên mục