Hàng hóa dồi dào
Theo đánh giá của Bộ Công thương, sau hơn 1 năm chống chọi với dịch Covid-19, người dân đã giữ tâm lý bình tĩnh trong mua sắm và tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của DN sản xuất và các hệ thống phân phối.
Tại TPHCM, từ đầu năm tới nay, thị trường hàng hóa ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả không biến động và không có tình trạng người dân đổ xô mua tích trữ như trước. Sở dĩ thị trường hàng hóa được ổn định có sự vào cuộc rất lớn của chính quyền địa phương cũng như các DN sản xuất hàng tiêu dùng lớn trên địa bàn như Kido, Masan, Meizan, Vissan, Ba Huân…
Khi dịch tái phát trở lại, Sở Công thương TPHCM đã yêu cầu các DN và đơn vị liên quan bảo đảm đầy đủ, liên tục, thông suốt các mặt hàng xăng, dầu, lương thực, thực phẩm thiết yếu, khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn… đáp ứng đủ nhu cầu, phục vụ người dân trên địa bàn.
Đặc biệt, Sở Công thương cũng hướng dẫn các đơn vị đang kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực chợ (gồm cả chợ đầu mối), siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và quyết định số 1370/QĐ-BCĐ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ đầu mối, chợ truyền thống (có nhà tầng), siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn.
Chung tay với chính quyền TP, từ đầu năm tới nay, Tập đoàn Kido đã triển khai kế hoạch kinh doanh mùa vụ, đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với từng địa phương, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng thông qua các kênh phân phối như: kênh truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và khối khách hàng cơ quan xí nghiệp…
Ngoài ra, đối với các khu vực cách ly, Kido cũng đã bố trí phương án bán hàng phù hợp để đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân. Hay với Meizan CLV, thời gian qua, hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa của DN này vẫn diễn ra bình thường.
Ông Lưu Huỳnh, Giám đốc Marketing của Công ty TNHH Meizan CLV cho biết, dù cả nước đang trong cao điểm chống đợt dịch thứ 3 song các sản phẩm nui, mì… vẫn duy trì tốc độ bán hàng như các tháng bình thường. Theo ông Lưu Huỳnh, điều này xuất phát từ nguyên nhân hàng hóa được DN cung ứng đầy đủ, giá cả ổn định, thêm vào đó người tiêu dùng đã không còn tâm lý lo lắng tích trữ như trước đây.
Hợp tác chặt chẽ để giữ giá sản phẩm
Trên thực tế, để có nguồn hàng và giá cả cung cấp ổn định cho thị trường, ngoài việc chủ động sản xuất của DN thì vai trò của nhà phân phối là rất lớn. Bởi lẽ từ cuối năm 2020, giá nguyên vật liệu sản xuất hàng tiêu dùng đã tăng khoảng 20% gây nhiều áp lực đến giá bán sản phẩm.
Thị trường cũng ghi nhận giá các loại vật liệu xây dựng như gạch đá, xi măng, cửa nhôm, các loại sơn… đồng loạt tăng, có dấu hiệu thiết lập giá mặt bằng chung mới. Tuy nhiên để đảm bảo thị trường ổn định, một số hệ thống siêu thị có mạng lưới rộng, có kinh nghiệm phân phối hàng bình ổn thị trường đã bắt đầu áp dụng công cụ điều tiết để giữ và giảm giá.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, từ giữa tháng 4-2021, các hệ thống siêu thị của Saigon Co.op nhận được đề nghị sẽ tăng giá hàng loạt mặt hàng vào tháng 5-2021, tập trung vào nhóm dầu ăn, sữa, bột dinh dưỡng, mì ăn liền, do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Anh Đức, các đề nghị tăng giá của nhà cung cấp sẽ được Saigon Co.op xem xét cẩn trọng, không áp dụng ngay mà phải đưa ra lộ trình hợp lý với từng lô hàng, ngành hàng. Không những nỗ lực giữ giá, Saigon Co.op cũng nhận được sự ủng hộ của đối tác là các nhà sản xuất, nhà cung cấp đồng lòng cắt giảm lợi nhuận, giảm giá hàng hóa để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.
Giống như Saigon Co.op, Masan cũng đang xây dựng nền tảng Point of Life (POL), góp phần gia tăng lợi ích cho người tiêu dùng, nhà sản xuất, DN nhỏ và vừa.
Theo đó, hiện đại hóa kênh bán lẻ truyền thống, đẩy mạnh thương mại tích hợp từ offline đến online (O2O) giữa bán lẻ hiện đại và nền tảng thương mại điện tử, thúc đẩy các dịch vụ tài chính, Masan đặt mục tiêu phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng trên nền tảng “tất cả trong một” (one-stop shop), đáp ứng các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ tiết kiệm từ 5%-10% cho hàng hóa thiết yếu; nhà sản xuất và nông dân sẽ gia tăng lợi nhuận 5%-10% so với hiện tại.
Có thể thấy, chính sự chủ động của DN sản xuất đã giúp thị trường luôn đầy đủ hàng hóa, nhà phân phối làm tốt vai trò cung ứng hàng hóa và giữ giá ổn định cho người tiêu dùng, từ đó góp phần lành mạnh hóa thị trường.
Tại các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ… tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Hiện Bộ Công thương đang tiếp tục theo dõi và chỉ đạo Sở Công thương các địa phương thực hiện giải pháp bình ổn, khuyến khích DN dự trữ hàng; phối hợp với DN phân phối lớn điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch. |