Giải pháp đổi mới
Trong 5 năm qua, ChangeNow đã kết nối các doanh nhân có các dự án bền vững và đang thực hiện các đổi mới có lợi cho môi trường và khí hậu với các nhà đầu tư. Theo những người sáng lập, hội nghị quốc tế về khí hậu ChangeNow chuyên đưa ra các giải pháp mang tính khả thi cao, hứa hẹn giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu từ đó truyền cảm hứng cho mọi người cùng chung tay hành động cứu hành tinh xanh.
Cùng ngày, ShareAction, một tổ chức phi chính phủ của Anh khuyến khích đầu tư có trách nhiệm, công bố báo cáo cho biết, sáng kiến quy mô lớn (Climate Action 100+) nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp hành động chống biến đổi khí hậu đến nay đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, theo ShareAction, sáng kiến này cần phải được làm minh bạch hơn về cách thức mà các nhà đầu tư sẽ gây áp lực với những doanh nghiệp chậm trễ trong việc thực hiện các mục tiêu về khí hậu.
Climate Action 100+ là sáng kiến có sự tham gia lớn nhất của các nhà đầu tư vào chống biến đổi khí hậu với 700 doanh nghiệp và có tổng tài sản 68.000 tỷ USD. Theo sáng kiến, các doanh nghiệp cần giảm lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính và cải thiện năng lực quản lý chống biến đổi khí hậu. Kể từ khi được triển khai năm 2017 đến nay, hơn 100 doanh nghiệp tham gia sáng kiến đã thực hiện cam kết không phát thải ròng so với chỉ có 5 doanh nghiệp lúc bấy giờ. Trong một đánh giá đưa ra vào tháng 3, Climate Action 100+ thông báo, 17% doanh nghiệp đã đặt mục tiêu phát thải về trung hạn nhằm giữ nhiệt độ của Trái đất tăng không quá 1,50C. Chỉ có 5% doanh nghiệp cam kết thực hiện kế hoạch chi tiêu vốn, với mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong dài hạn.
Thêm nhiều hành động tích cực
Tại châu Âu, các nhà lãnh đạo Đức, Đan Mạch, Hà Lan và Bỉ vừa ký một tuyên bố chung nhằm biến biển Bắc thành “nhà máy điện xanh” của châu Âu vào năm 2050. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo còn đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tăng gấp 4 lần công suất năng lượng gió ở biển Bắc đến năm 2030 và tăng gấp 10 lần công suất năng lượng gió đến năm 2050. Tuyên bố của 4 nhà lãnh đạo nêu rõ, mục tiêu tạm thời là đạt 65 gigawatt năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2030 và ít nhất 150 gigawatt vào năm 2050 để có thể cung cấp điện năng cần thiết cho 230 triệu ngôi nhà ở châu Âu. Chỉ riêng 4 quốc gia này đóng góp một nửa mục tiêu của Liên minh châu Âu về điện gió ngoài khơi vào năm 2050. Các bộ trưởng năng lượng 4 nước cũng ký một số tuyên bố song phương, trong đó bao gồm các mục tiêu về hydro xanh và xây dựng các hòn đảo năng lượng ở biển Bắc.
Tại Australia, tất cả các hoạt động của chuỗi siêu thị lớn nhất tại bang South Australia là Woolworths sẽ chuyển sang trạng thái trung hòa carbon như một quá trình thử nghiệm để tiến tới 100% hệ thống cửa hàng của chuỗi siêu thị này sử dụng năng lượng sạch vào năm 2025. Giám đốc điều hành Woolworths Brad Banducci cho biết, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch tại 87 cửa hàng thuộc Woolworths có thể thực hiện được nhờ Công viên Năng lượng tái tạo Port Augusta - dự án kết hợp giữa năng lượng Mặt trời và gió lớn nhất ở Nam bán cầu với 50 turbine gió và 250.000 tấm pin Mặt trời. Dự kiến, sau quá trình chuyển đổi vào tháng 7 tới, Woolworths sẵn sàng thay thế dần các hợp đồng năng lượng truyền thống hiện có trên toàn quốc và hướng tới thúc đẩy chuyển đổi tương tự tại các bang khác trong 3 năm tới.
Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết, 4 chỉ số biến đổi khí hậu chính gồm: nồng độ khí nhà kính khoảng 413,2 phần triệu, mực nước biển dâng 4,5mm, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,110C và axit hóa đại dương đều tăng lên các mức kỷ lục mới vào năm 2021. |