Lắng nghe trẻ để hành động
Mới đây, nhân sự kiện triển lãm tranh “Việt Nam ước mong”, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã đến xem từng bức tranh do trẻ mắc ung thư, bệnh hiểm nghèo, khuyết tật, tự kỷ, trẻ mồ côi… vẽ. Mỗi tác phẩm được trưng bày là một câu chuyện được kể thông qua ngôn ngữ hội họa của các em nhỏ, thể hiện những tình cảm, mong ước của các em về bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Qua mỗi bức tranh, nhắc nhở mỗi người cùng lắng nghe, bảo vệ, chăm sóc trẻ em về thể chất lẫn tinh thần, không chỉ trong gia đình mà cả ở cộng đồng, xã hội.
Chuyến đi này của Bí thư Thành ủy TPHCM đã thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu Đảng bộ TPHCM đối với các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em yếu thế. Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng ân cần thăm hỏi trẻ em mồ côi nhận học bổng, quà tại cơ sở tôn giáo. Đồng chí cũng gửi lời thăm hỏi, chia sẻ ân tình và mong các em phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, trở thành con ngoan trò giỏi, là người có ích cho xã hội.
Qua trao đổi và nghe báo cáo một số hoạt động an sinh xã hội của cơ sở tôn giáo, Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ sự trân trọng, tri ân sâu sắc và đánh giá cao những nghĩa cử cao quý, hành động đầy ý nghĩa, nhân văn qua những đóng góp quý báu không thể kể hết bằng lời. Thời gian qua, nhất là trong đại dịch Covid-19, các cơ sở tôn giáo đã chung tay cùng với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo, giúp đỡ cho người nghèo, người khó khăn, trẻ em mồ côi bằng những việc làm thiết thực. Cụ thể là các chương trình an sinh xã hội, trao học bổng, các lớp ngoại ngữ miễn phí, hiến máu nhân đạo hàng tháng…
Đại dịch Covid-19 đi qua đã cướp mất sinh mạng của nhiều người, để lại TPHCM với hơn 2.200 trẻ em mồ côi cha, mẹ. Để làm tốt công tác chăm lo các trẻ, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo hệ thống chính trị toàn thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác chăm lo. Ngoài ra, tháng 4-2022, HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết 02 về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Tùy từng hoàn cảnh, trẻ em sẽ nhận các hình thức hỗ trợ theo nghị quyết này như được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ học phí, hỗ trợ tiền hàng tháng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các tổ chức tôn giáo tại TPHCM đã chung tay, phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác chăm lo, thiện nguyện, trong đó có công tác chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ mồ côi, với tổng số tiền hơn 45 tỷ đồng. Trong đó, tại lễ tưởng niệm, kỳ siêu đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 diễn ra ngày 18-8, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM đã trao 1 tỷ đồng vào Quỹ “Vì người nghèo” TPHCM cùng 1.000 phần quà đến những gia đình có người thân mất vì dịch Covid-19, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. |
Viết tiếp ước mơ dang dở
Cùng với thành phố, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã có nhiều chương trình, hoạt động chăm lo lâu dài cả về vật chất lẫn sức khỏe tinh thần cho các em. Trong đó, các địa phương chung tay góp sức, vận động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở tôn giáo, mạnh thường quân, cán bộ, đảng viên và người dân đóng góp kinh phí chăm lo an sinh hàng tháng cho các trẻ mồ côi ở từng địa phương.
Theo bà Trần Thanh Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 8, quận có 432 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19. Đến nay, đã có 40 cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị thuộc quận nhận đỡ đầu, chăm lo cho trẻ về lâu dài. Đảng ủy 16 phường cũng đã phát động các chi bộ trực thuộc, nhà hảo tâm đăng ký hỗ trợ chăm lo trẻ mồ côi do dịch Covid-19 trên địa bàn phường.
“Sự đồng lòng, chung tay của cộng đồng xã hội đã làm vơi bớt khó khăn, phần nào bù đắp mất mát mà các em phải gánh chịu do dịch Covid-19”, bà Trần Thanh Hà chia sẻ. Bà cho biết thêm, quận 8 cũng tập trung vận động các nguồn lực xã hội chăm lo, hỗ trợ và phối hợp tổ chức các chương trình trao tặng trẻ em mồ côi số tiền hơn 14 tỷ đồng. Ngoài ra, quận sẽ chăm sóc 369 trẻ mồ côi do dịch Covid-19 đến khi các em 18 tuổi hoặc học đến cao đẳng, đại học.
Tại quận 10, có gần 120 trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Bà Trần Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 10, cho biết, thời gian qua, các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể quận cùng vào cuộc, chung tay chăm lo, hỗ trợ các em cả trước mắt lẫn lâu dài. Bên cạnh sự chăm lo, hỗ trợ về vật chất, quận thường xuyên tổ chức các sân chơi, hoạt động giải trí cho các em thông qua các chương trình trại hè, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tâm sinh lý miễn phí… Đặc biệt, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn quận đã tích cực chung tay góp sức hỗ trợ, chăm lo cho trẻ em yếu thế, mồ côi ở quận.
Trên toàn địa bàn TPHCM, thời gian qua, các cơ sở tôn giáo cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người nghèo, những gia đình khó khăn, nhất là trẻ em mồ côi, trẻ em khó khăn do dịch Covid-19. Trong đó, mùa Vu Lan năm nay, chùa Giác Ngộ (quận 10) tổ chức trao tặng 250 suất học bổng để khích lệ các học sinh, sinh viên, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục vươn lên học tập tốt.
Ban Trị sự Phật giáo quận 8 trao tặng 180 phần quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, 30 suất học bổng cho các học sinh nghèo ở quận 8. Chùa Tuyền Lâm (quận 6) trao tặng 400 phần quà đến hộ nghèo, gia đình khó khăn ở quận với tổng trị giá 200 triệu đồng; trao quà cho hơn 100 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 để giúp các em có động lực phấn đấu vươn lên, viết tiếp ước mơ còn dang dở.
Ông PHẠM MINH TUẤN, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM: Vận động mọi nguồn lực chăm lo trẻ emQua thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, tổng số trẻ mồ côi do dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố là 2.428 trẻ, trong đó có 151 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thời gian qua, qua công tác vận động, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đã nhận bảo trợ đến năm 18 tuổi 1.001 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ và trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Kinh phí bảo trợ từ 700.000 đồng đến 2 triệu đồng/trẻ/tháng. Ngoài ra, Hội Doanh nhân trẻ TPHCM tiếp tục phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM nhận bảo trợ 800 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội vận động các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia bảo trợ cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trong đó có giúp đỡ, trao tặng học bổng cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19. Ông LÊ VĂN THINH, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Chăm lo về vật chất và sức khỏe, tinh thầnCùng với việc triển khai các chính sách chăm lo, Sở LĐTB-XH TPHCM còn chủ động tìm kiếm, huy động kết nối các nguồn lực xã hội hóa để kịp thời hỗ trợ các em. Từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, tổng kinh phí từ nguồn xã hội hóa chăm lo trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em được chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ xã hội là hơn 18,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được dùng để chăm lo cụ thể bằng những gói hỗ trợ về tài chính, sổ tiết kiệm, nhu yếu phẩm, sách vở, máy tính bảng, trang thiết bị học tập… dành cho các em. Bên cạnh chăm lo về vật chất, trẻ em còn được chăm lo về sức khỏe tinh thần. Thời gian tới, Sở LĐTB-XH TPHCM tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em, bao gồm đầy đủ, chính xác các thông tin chi tiết liên quan đến trẻ và gia đình, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu chính sách cho trẻ em. Đây cũng là cơ sở dữ liệu làm cơ sở xây dựng các mô hình thí điểm bảo vệ trẻ em, huy động nguồn lực hỗ trợ, chăm lo cho trẻ em tốt hơn. |