PHÓNG VIÊN: Thưa ông, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu việt cho người cao tuổi, nhưng thực tế vẫn còn khó khăn, bất cập?
Ông NGUYỄN THANH BÌNH: Tại cuộc gặp mặt đoàn đại biểu về dự Đại hội lần thứ VI Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, người cao tuổi đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng, đúng như lời Bác Hồ đã nói “Tuổi cao, ý chí càng cao”. Người cao tuổi nước ta thực sự là “vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam...”. Đồng thời Tổng Bí thư yêu cầu: “Trong tình hình mới hiện nay, quá trình già hóa của dân số nước ta đang diễn ra nhanh chóng, cùng với tuổi thọ bình quân ngày càng cao; lực lượng người cao tuổi ngày càng nhiều hơn, đông hơn; đó là phúc lớn cho dân tộc. Để người cao tuổi của chúng ta được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc trong gia đình và xã hội, các cấp ủy Đảng từ Trung ương tới địa phương phải kịp thời nắm bắt tư tưởng, đời sống, nguyện vọng của người cao tuổi, đặc biệt là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; phát huy mạnh mẽ vai trò của người cao tuổi trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội”.
Quán triệt chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, ngoài những chính sách ưu việt mà Đảng, Nhà nước dành cho người cao tuổi, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp để chăm lo tốt hơn cho người cao tuổi…, nhưng thực tế vẫn còn khó khăn, bất cập. Già hóa dân số vừa là thành tựu của quá trình phát triển đất nước, vừa tạo ra cơ hội mới nhưng cũng đặt ra thách thức về kinh tế - xã hội, văn hóa, lối sống cho mỗi cá nhân, gia đình, xã hội.
Nếu chúng ta không có những giải pháp sớm và đủ mạnh thì sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về an sinh xã hội. Đặc biệt, người cao tuổi còn là nguồn tiềm lực lớn của đất nước, nếu không biết phát huy, tập hợp, sử dụng sẽ rất lãng phí, có nguy cơ nảy sinh không ít vấn đề phức tạp, nhất là trên mặt trận tư tưởng. Bên cạnh đó, vẫn còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức về sự đóng góp của người cao tuổi chưa cao, chưa thực sự quan tâm tới người cao tuổi, thậm chí còn xem nhẹ vai trò của người cao tuổi, khiến nhiều người cao tuổi rất tâm tư.
Chúng ta cần phải có những chính sách như thế nào để huy động trí lực của người cao tuổi, thưa ông?
Cả nước hiện có 17 triệu người cao tuổi, trong đó có 7 triệu người cao tuổi đang tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh; khoảng 400.000 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi; trên 221.000 người cao tuổi đang làm chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu đối tượng khác. Như vậy có thể khẳng định, người cao tuổi đang có những đóng góp rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, chính sách để người cao tuổi khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh còn nhiều bất cập trong các quy định về cho người cao tuổi vay vốn hiện nay. Hay nói cách khác là người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên không nằm trong diện được vay vốn. Bất cập này cần phải được tháo gỡ ngay để tạo thuận lợi cho người cao tuổi tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi phục vụ kinh doanh, sản xuất, khởi nghiệp.
Ngoài ra, cần phải tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ tạo việc làm, tái đào tạo nghề thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn ủy thác qua ngân hàng. Cùng với đó, cần lồng ghép chính sách việc làm cho người cao tuổi trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, hướng tới tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm phù hợp với người cao tuổi tại cơ sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi sử dụng và tiếp cận. Khi người cao tuổi khởi nghiệp thành công, Nhà nước và các tổ chức nên tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, trợ giúp những vấn đề liên quan đến Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh, sửa đổi Luật Người cao tuổi, Luật Việc làm, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường…
Theo ông, để nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi cần có giải pháp gì?
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng sự chủ động của nhiều địa phương, đến nay có trên 15 triệu người cao tuổi đã có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), còn một bộ phận người cao tuổi chưa có nên đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, quyết liệt hơn để thực hiện được mục tiêu 100% người cao tuổi có BHYT vào năm 2025. Việc giải quyết xóa nhà tranh tre dột nát của người cao tuổi cũng được Nhà nước và địa phương quan tâm, phấn đấu tới năm 2030 hoàn thành được việc xóa nhà tạm cho người cao tuổi.
Hiện tại rất cần có những chính sách kêu gọi nguồn lực của doanh nghiệp, nhà tài trợ hỗ trợ cho người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời, để ứng phó với việc già hóa dân số thì cần có các chính sách ưu đãi về đất đai nhằm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng những trung tâm chăm sóc người cao tuổi đạt chuẩn ở các địa phương, đơn vị.
TS PHẠM VŨ QUỐC BÌNH, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB-XH): Hỗ trợ việc làm phù hợp người cao tuổi
Bộ LĐTB-XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2156/QĐ-TTg, ngày 21-12-2021 về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về triển khai tốt các nội dung chính sách về người cao tuổi, giai đoạn 2021-2030. Bộ cũng đã trình Chính phủ 2 phương án tăng chuẩn trợ cấp xã hội, trong đó có nhóm người cao tuổi, theo 2 phương án: phương án 1, nâng mức trợ cấp xã hội từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng/người/tháng; phương án 2, tăng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 750.000 đồng/người/tháng. Bộ cũng đang phối hợp các cơ quan liên quan triển khai thực hiện mục tiêu 100% người cao tuổi được cấp thẻ BHYT… Đồng thời, bộ đã và đang xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 tới. Trong đó, ở nhóm chính sách thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, bộ đề xuất bổ sung quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động lớn tuổi (để chuẩn bị bước sang giai đoạn cao tuổi); hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp cho lao động cao tuổi; các chính sách ưu tiên khi sử dụng lao động cao tuổi như vay vốn, tham gia chính sách việc làm công…
Ông NGUYỄN LỘC HÀ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: Tiếp tục nhân rộng mô hình hay
Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã có 61/91 xã, phường, thị trấn thành lập được 99 CLB liên thế hệ với tổng số thành viên 5.100 người. Mô hình này có ưu việt là các thành viên thuộc nhiều thành phần, nhóm tuổi cùng hỗ trợ, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện cuộc sống, nâng cao đời sống tinh thần... Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình “CLB liên thế hệ”.
Ông LÊ VĂN THINH, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Dành những gì tốt nhất cho người cao tuổi
Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền TPHCM đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách mang tính đặc thù, đi đầu trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi. Cụ thể hiện thành phố có 310/312 xã, phường, thị trấn có các loại hình câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của người cao tuổi, tương ứng trên 3.500 câu lạc bộ, thu hút gần 100.000 người cao tuổi tham gia sinh hoạt và tập luyện (đạt 99,35%, vượt chỉ tiêu của Trung ương đề ra đến năm 2030 là 80%); 268/312 xã, phường, thị trấn có “Câu lạc bộ liên thế hệ” tự giúp nhau hoặc các mô hình câu lạc bộ khác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi (đạt 85,89%). Ngoài ra, người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo bộ tiêu chí đo lường nghèo đa chiều của thành phố được hỗ trợ cấp thẻ BHYT miễn phí…