Trong khi đó, các mối nguy hiểm liên quan đến nước đã gia tăng tần suất trong 20 năm qua. Kể từ năm 2000, các thảm họa liên quan đến lũ lụt đã tăng 134%, số lượng và thời gian hạn hán cũng tăng 29%. Trong khi nhu cầu về nước ngày càng tăng, tại nhiều quốc gia trên thế giới tài nguyên nước đã bị khai thác quá mức. Hơn nữa, do tác động của BĐKH, tình trạng khan hiếm nước càng thêm trầm trọng.
Giống như các nước trên thế giới, Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức hết sức lớn về nạn ô nhiễm môi trường nước. Hiện tại, tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam đã và đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, bao gồm ô nhiễm nước sông, hồ, kênh, mương; ô nhiễm nước ngầm và cả ô nhiễm nước biển. Lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước... đang đe dọa nghiêm trọng đến nguồn cấp nước cho người dân, nhất là ở khu vực ĐBSCL. Trong Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn năm 2016-2020, Bộ TN-MT cũng đã chỉ ra rằng, vẫn còn một số khu vực chất lượng nước bị ô nhiễm, ghi nhận phần lớn trên các đoạn sông chảy qua khu vực có hoạt động công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh, điển hình như các đoạn sông qua nội thành Hà Nội, nội thành TPHCM. Các điểm nóng về môi trường nước trên một số lưu vực sông vẫn chưa được cải thiện rõ rệt, như lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai.
Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, là nguồn sống thiết yếu của con người và tất cả các loài sinh vật trên trái đất. Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nguồn tài nguyên nước sẽ tiếp tục bị đe dọa nghiêm trọng. Bảo vệ tài nguyên nước đang cấp bách hơn bao giờ hết là nhiệm vụ của không riêng cá nhân, tổ chức, quốc gia hay khu vực nào mà là của cả cộng đồng, của toàn thể nhân loại.