Chiều 26-6, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với TPHCM và các địa phương lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang để động viên, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh, bàn và đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Tham dự cuộc họp tại điểm cầu TPHCM có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo TPHCM.
Tại điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Tại điểm cầu 7 tỉnh có Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn.
Xu hướng lây nhiễm ngoài cộng đồng bắt đầu giảm
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, công nhân, doanh nghiệp,... bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Phấn đấu đến cuối năm nay, 70% người dân thành phố được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Dự kiến GRDP của thành phố sẽ tăng khoảng 5,2% trong 6 tháng đầu năm, cao hơn nhiều so với cùng kỳ (1,02%). Thành phố xây dựng 4 kịch bản tăng trưởng cho cả năm, cao nhất là 6,05% và thấp nhất là 3,24%.
Lãnh đạo các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước phát biểu khái quát về kết quả phòng chống dịch bệnh tại địa phương, nêu những khó khăn, vướng mắc, phân tích nguyên nhân, đánh giá các nguy cơ... Trên cơ sở đó, lãnh đạo các tỉnh đã đề xuất một loạt các giải pháp cần tập trung thực hiện để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Lãnh đạo các Bộ đã phát biểu giải đáp các đề xuất, kiến nghị, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ các địa phương trong phòng chống dịch bệnh. Đề nghị địa phương phối hợp để quản lý chặt chẽ biên giới, người cách ly; căn cứ thực tiễn địa phương và chỉ đạo của Trung ương xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong khu công nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong phòng chống dịch bệnh, cung cấp dịch vụ công, sản xuất kinh doanh, thương mại điện tử, y tế, giáo dục, làm việc trực tuyến.
Chấp hành nghiêm hướng dẫn của Trung ương về vận hành giao thông trong điều kiện dịch bệnh, tránh tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ hàng hoá; điều phối hài hoà các nguồn lực, phân cấp mạnh trong phòng chống dịch bệnh theo đúng phương châm “bốn tại chỗ”; bảo đảm kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, về cơ bản tình hình dịch trên cả nước đang được kiểm soát. Kinh nghiệm qua tất cả các đợt chống dịch vừa rồi cho thấy, khi có dịch phải khoanh nhanh, khoanh gọn, nhất là “khoanh ra khoanh, chặt ra chặt”. Các địa phương cũng phải rất lưu ý nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.
Về tình hình dịch bệnh tại TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Nếu chỉ nghe báo cáo về số lượng ca nhiễm lớn thì có thể thấy tình hình thành phố nóng lên nhưng phân tích trên dữ liệu cho thấy, ngoài số ca lây nhiễm trong khu vực cách ly thì xu hướng lây nhiễm bên ngoài cộng đồng bắt đầu giảm. Chỉ thị 10 của thành phố đã đúng hướng, “không mặc đồng phục cho cả thành phố”, còn có nơi, có lúc chưa thực hiện nghiêm thì chúng ta phải siết lại”.
Điều quan trọng hàng đầu của TPHCM hiện nay là phải có sự kết nối dữ liệu thông suốt, thống nhất, đầy đủ từ truy vết, đến xét nghiệm, thông tin các ca F0, F1, F2… để đánh giá chính xác, toàn diện đúng mức độ nguy cơ dịch bệnh ở từng quận, huyện, thậm chí đến từng phường. Từ đó, lực lượng phòng chống dịch xác định được những khu vực nguy cơ để tổ chức xét nghiệm đón đầu, tập trung làm sạch những địa bàn trọng điểm.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý bài học ở một số nước đã tiêm vaccine cho 50% dân số nhưng dịch vẫn có thể bùng phát, vì vậy, dù đã có vaccine phòng Covid-19, chúng ta vẫn phải coi như chưa có vaccine trong các biện pháp phòng chống dịch.
Thực hiện mục tiêu kép với nỗ lực rất lớn
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, TPHCM và 7 tỉnh chiếm 20% dân số, 45% GDP, 40% thu ngân sách của cả nước, là trung tâm giao dịch quốc tế lớn nhất. Đến nay, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại TPHCM, tác động tới các tỉnh xung quanh.
Ngoài nguyên nhân khách quan là chủng virus mới mạnh hơn, lây lan nhanh hơn và khó kiểm soát hơn, thì còn nguyên nhân chủ quan khiến Việt Nam có đa nguồn lây, đa ổ dịch, đa chuỗi lây nhiễm. Đó là tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch và khi dịch đã đi qua; có những sơ hở trong quản lý cách ly và sau cách ly, nhập cảnh và cư trú trái phép, dẫn tới mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam.
Trong bối cảnh tiếp tục phải phòng chống dịch bệnh, việc phát triển kinh tế gặp nhiều trở ngại, đời sống người lao động, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, buôn bán hàng rong, vỉa hè đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp bị đình đốn trong sản xuất kinh doanh và cung ứng vật tư, hàng hóa. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, các chuỗi cung ứng dễ bị tác động, thậm chí đứt gãy nếu không có giải pháp hiệu quả. Trật tự, an toàn xã hội cũng bị ảnh hưởng nếu không có biện pháp phù hợp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã bám sát tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Nhờ đó, chúng ta vẫn đang thực hiện được mục tiêu kép dù chưa ngăn chặn triệt để được dịch bệnh. Với hơn 10 triệu dân, hoạt động giao thương hết sức sôi động, TPHCM không tránh khỏi lây lan dịch bệnh và khó kiểm soát hơn so với các tỉnh khác. “Cái khó của TPHCM như vậy, nên việc kiểm soát được tình hình như hiện nay là nỗ lực rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
TPHCM và 7 tỉnh đều đạt tăng trưởng GRDP trên 5% trong 6 tháng đầu năm 2021, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được nhờ sự kế thừa từ các năm trước và nỗ lực của các địa phương, cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng. Thu ngân sách 6 tháng của TPHCM và 7 tỉnh đạt cao hơn so với dự toán được giao. Về đời sống nhân dân, không có ai bị thiếu ăn, thiếu mặc. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được kiểm soát tốt. Cả hệ thống chính trị vào cuộc rất tích cực, nhiều đồng chí “miệt mài, trăn trở với công việc”, người dân tham gia hưởng ứng tích cực để thực hiện mục tiêu kép.
Các nhiệm vụ, giải pháp được triển khai về cơ bản là phù hợp. Tuy nhiên, vẫn còn có nơi, có lúc, có bộ phận lơ là, chủ quan, mất cảnh giác hoặc lo sợ, mất bình tĩnh, hoảng hốt, đưa giải pháp chưa thực sự phù hợp tình hình, nên hiệu quả chống dịch và sản xuất kinh doanh đều thấp, tác động tiêu cực tới việc thực hiện mục tiêu kép và đời sống nhân dân. Điều đáng mừng là các địa phương, đơn vị đã có kịp thời nhận ra bất cập, điều chỉnh phù hợp.
Nhiều bài học kinh nghiệm quý báu
Thủ tướng nêu rõ, bài học kinh nghiệm thứ nhất được rút ra từ đợt dịch hiện nay là phải nắm chắc tình hình thực tế để lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra nhiệm vụ giải pháp khả thi, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Không máy móc, không hành chính đơn thuần trong phong tỏa, giãn cách xã hội và tổ chức sản xuất kinh doanh.
Bài học thứ hai là các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy tính tự lực, tự cường, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền, đối tượng, địa bàn quản lý, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối, chính sách, quy định chung để thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, nhuần nhuyễn giữa các lực lượng tuyến đầu dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng.
Thứ ba là bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn. Công tác tuyên truyền, vận động có vai trò rất quan trọng để người dân tích cực tham gia phòng chống dịch và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Bài học thứ tư là không để tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”- phong tỏa chặt bên ngoài nhưng để lây nhiễm trong khu vực cách ly, phong tỏa. Nhiều địa phương của TPHCM như TP Thủ Đức, Cần Giờ đã làm tốt…
Thủ tướng lưu ý về bài học quý về khoanh vùng ổ dịch theo "3 lớp”: Kiểm soát nghiêm ngặt lớp lõi bên trong có ca F0 với khả năng lây nhiễm lớn; giãn cách, quản lý chặt chẽ ở lớp thứ 2; thực hiện phòng ngừa mức độ cao ở lớp ngoài cùng.
Một bài học khác là kiểm soát chặt chẽ các cơ sở y tế, nhà thuốc, nơi cách ly và sau cách ly; kiểm soát, xử lý nghiêm nhập cảnh và cư trú trái phép theo đúng quy định.
Không chủ quan nhưng có thể lạc quan
Dự báo thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, có yếu tố khó lường, chưa kiểm soát hết; sản xuất kinh doanh có thể gặp khó khăn hơn do tác động từ các biện pháp phòng chống dịch. Thủ tướng yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, TPHCM và 7 tỉnh phải tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, dập tắt đợt dịch này càng nhanh, càng sớm, càng hiệu quả càng tốt. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế để đặt mục tiêu cho phù hợp. Nhanh chóng ổn định tình hình, khắc phục hậu quả và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội; từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các điều kiện sinh hoạt tối thiểu.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, phải thống nhất nhận thức rằng việc thực hiện mục tiêu kép là rất khó khăn nhưng không thể không làm, không có lựa chọn nào tốt hơn. Chống được dịch để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sản xuất kinh doanh được mới có nguồn lực để chống dịch tốt hơn. Chống dịch là công việc thường xuyên, lâu dài, không phải ngày một, ngày hai. Càng khó khăn, thách thức, càng phải coi đây là động lực, là cơ hội để phấn đấu, vươn lên, khẳng định, trưởng thành và phát triển. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần 4 tại chỗ, tinh thần đoàn kết trong nội bộ, trong cộng đồng, trong xã hội và nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu, các địa phương phải chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp để thực hiện cho được mục tiêu kép, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chống dịch và phát triển kinh tế. Tùy tình hình trong từng thời điểm, từng nơi để dành ưu tiên, tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế hoặc nhiệm vụ chống dịch, có những nơi phải thực hiện đồng bộ, đồng thời các giải pháp cho cả hai nhiệm vụ này. Ngay TPHCM vào thời điểm này phải ưu tiên cho việc chống dịch, nhất là những nơi dịch bùng phát, những nơi tâm dịch, nhưng những nơi tình hình đã ổn định thì ưu tiên phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Xác định lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, hệ thống chính trị ở cơ sở là nền tảng phòng chống dịch và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong tình hình hiện nay. Quán triệt, thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, linh hoạt, sáng tạo, bám sát tình hình để đưa ra giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả. Cả hệ thống chính trị cần nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, hiệu quả hơn nữa với tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt. Có những nhiệm vụ phải thần tốc hơn như lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng cách ly.
Xây dựng các kịch bản về chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình, cùng các giải pháp phù hợp với từng kịch bản để các cấp ủy lãnh đạo, các cấp chính quyền triển khai thực hiện, tránh bị động, lúng túng. Lấy phòng ngừa là thường xuyên, liên tục, cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; khi có dịch thì phải tấn công chủ động, quyết liệt, đột phá, hiệu quả.
Chủ động, linh hoạt, sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ được giao
Thủ tướng lưu ý, TPHCM phải phân tích kỹ hơn, xác định rõ nguồn lây nhiễm trong khu cách ly, trong cộng đồng để đưa ra giải pháp phù hợp. Ngoài các ca bệnh trong khu cách ly, cần lưu ý còn một số ca mắc không rõ nguồn lây, vì thế phải xét nghiệm diện rộng hơn để truy vết. Xét nghiệm nhanh hơn, thần tốc hơn trong vùng có dịch, khu cách ly, khu phong tỏa. Thực hiện xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm xác suất tại những nơi nghi ngờ, có nguy cơ cao. Mạnh dạn nhưng thận trọng khi tiến hành thí điểm tự xét nghiệm vì liên quan tới sức khỏe, tính mạng con người, phải tuân thủ quy định, quy trình rất nghiêm ngặt.
Thực hiện các chỉ đạo về giãn cách, phong tỏa, cách ly một cách linh hoạt, không theo địa giới hành chính mà theo tình hình dịch tễ. Phối hợp liên vùng trong cung cấp thông tin, truy vết; khi chưa rõ thông tin, căn cứ cụ thể thì có thể giãn cách diện rộng nhưng phải nhanh chóng điều tra, truy vết để thu hẹp phạm vi phong tỏa, cách ly gọn nhất có thể, kiểm soát chặt chẽ bên trong.
Tại cuộc điện đàm vừa qua với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia sẻ thông tin nguồn cung vaccine sẽ khan hiếm trên phạm vi toàn cầu từ nay đến tháng 9. Do đó, chúng ta khuyến khích việc tiếp cận mọi nguồn vaccine nhưng tránh cạnh tranh giữa nhà nước và tư nhân; Bộ Y tế là đầu mối quản lý nhà nước về chất lượng, cấp phép và điều phối, kiểm soát tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình.
Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước nhanh nhất, nhiều nhất có thể, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy trình, với sự hỗ trợ của chuyên gia WHO.
Hoan nghênh TPHCM có kế hoạch triển khai rất nhanh chiến dịch tiêm chủng và đã thực hiện cơ bản tốt, Thủ tướng lưu ý thành phố phải bảo đảm an toàn, hiệu quả, đồng thời cần rút kinh nghiệm ngay một số bất cập. Bộ Y tế phối hợp với UBND TPHCM để rút kinh nghiệm cho cả nước trong thời gian tới.
Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, tổ chức xe đưa đón công nhân theo tuyến cố định, ăn ở tại chỗ theo tinh thần “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”. Kiểm soát chặt chẽ, kỹ lưỡng các chợ đầu mối theo quy định.
Các bộ ngành, địa phương căn cứ tình hình thực tế và theo chức năng, nhiệm vụ được giao để hỗ trợ, chi viện cao nhất có thể cho các địa phương khác.
Về an sinh xã hội, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết để thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về một số chính sách với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài quy định chung, các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể, vận dụng sáng tạo để bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan khẩn trương rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, nhất là các vướng mắc, khó khăn mới phát sinh khi có dịch. Dịch bệnh bùng phát là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của mỗi địa phương. Đây cũng là cơ hội chuyển đổi số để phòng chống dịch và đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ người dân tốt hơn.
Một nhiệm vụ khác là đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công, bảo đảm chất lượng, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư trên tất cả các lĩnh vực, từ đó tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, không để đầu tư công trì trệ như một số tỉnh. Tận dụng tối đa các FTA đã ký kết, Thủ tướng lấy ví dụ nhiều mặt hàng nông sản vừa qua tiêu thụ rất tốt ngay trong bối cảnh dịch bệnh, như vải thiều Bắc Giang.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an toàn cho nhân dân, phòng chống hiệu quả các loại tội phạm mới xuất hiện.
Đẩy mạnh truyền thông, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, củng cố và tăng cường niềm tin, thúc đẩy, truyền cảm hứng, tạo động lực cho nhân dân chủ động tham gia phòng chống dịch và sản xuất, kinh doanh, khắc phục, vượt qua mọi khó khăn.
Thủ tướng nêu rõ, các kiến nghị tại cuộc họp đều xác đáng, có cơ sở thực tiễn, Chính phủ và các bộ ngành sẽ khẩn trương giải quyết theo quy định, nếu vượt quá thẩm quyền sẽ trình cơ quan liên quan xem xét, quyết định.
Thủ tướng cũng lưu ý TPHCM và các địa phương tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia an toàn, hiệu quả, đúng quy định, giảm phiền hà cho thí sinh và người dân.