Đứng lên từ những mất mát
Đặt dĩa vú sữa lên bàn thờ có di ảnh mẹ và chồng, chị Lê Thị Thắm (ngụ quận 8) bùi ngùi kể: “Mẹ và chồng tôi đều thích ăn vú sữa. Ngày trước, cứ đến mùa này, mỗi khi đi làm về anh hay mang ít vú sữa về rồi gọt ra mời mẹ. Nay mùa vú sữa lại đến, chỉ là trong nhà không còn tiếng cười nói ấm áp như xưa”. Tháng 8-2021, chị Thắm đau đớn khi liên tiếp mẹ, chồng và em gái lần lượt ra đi vì Covid-19. Khi ấy, chị chỉ bất lực đứng nhìn từ xa chứ không có cơ hội lo đầy đủ phận sự của người con, người vợ, người chị với người thân yêu của mình. Nhớ lại quãng thời gian ấy, chị Thắm không cầm được nước mắt. “Nhìn 2 con còn quá nhỏ, chúng cần chỗ dựa để bước tiếp vào tương lai. Tôi vực mình dậy để tiếp tục cuộc sống”, chị Thắm chia sẻ.
Chồng là lao động chính nên khi anh mất, chị Thắm mới tính đường mưu sinh. Vốn biết may vá, chị nghĩ đến việc may gia công tại nhà. Khi TPHCM bước vào giai đoạn bình thường mới, các chị cán bộ Hội Phụ nữ địa phương đến thăm hỏi cuộc sống gia đình, chị tâm sự về hướng làm việc kiếm thu nhập của mình. Vậy là Hội Phụ nữ phường đề xuất tặng chị chiếc máy may, đồng thời kết nối để chị nhận hàng may gia công tại nhà. Với tính siêng năng, chăm chỉ, sau khi lo cơm nước cho các con, thời gian còn lại chị Thắm tập trung may vá. Nhờ đó, cuộc sống của chị và các con dần ổn định. Không chỉ vậy, 2 con của chị cũng nhận được các suất học bổng, các phần chăm lo của chính quyền, đoàn thể để tiếp tục con đường học tập như bao bạn bè đồng trang lứa.
Đại dịch Covid-19 xảy ra ở nước ta đã cướp đi sinh mệnh của hơn 23.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, để lại nỗi đau khôn nguôi cho người thân, gia đình và bạn bè. Hàng ngàn đứa trẻ mồ côi cha, mẹ. Tạ Thị Thanh Thủy (ngụ quận 4) là một trong hàng ngàn đứa trẻ ấy. Bởi, khi mẹ và chị gái bị dịch Covid-19 cướp đi, em chỉ còn lại một mình bơ vơ trên cõi đời. 10 năm trước, ba em đã qua đời vì bạo bệnh. Một thời gian dài, Thủy chỉ biết ôm di ảnh mẹ mà khóc. Em cũng từng nghĩ đến buông xuôi tất cả, bởi em không còn động lực bước tiếp.
Rồi, sau những ngày buồn khổ, Thủy nhớ những đêm nằm bên cạnh, mẹ hay thủ thỉ: “Ráng học nha con, mẹ cực khổ thế nào cũng được, chỉ mong con được học hành tử tế, sau này có tương lai tươi sáng như bạn bè”. Nhớ lời mẹ dạy, Thủy gạt nước mắt để bước tiếp hành trình của mình.
Cân đối giờ học, Thủy đi làm thêm, từ phụ quán hủ tiếu, bán cà phê, trà sữa để có thu nhập trang trải cuộc sống, đóng học phí. Và trong hành trình ấy, em không đơn độc, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, các tổ chức đoàn thể đã tiếp sức đến em bằng những suất học bổng trị giá cao, những phần chăm lo cụ thể để em có thể trang trải cuộc sống. Để rồi sau những tháng ngày côi cút, Thủy chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Hành trang của Thủy giờ đây chính là sự cố gắng để hoàn thành tâm nguyện của mẹ và có thể góp chút sức nhỏ của mình để chăm lo cho các em cũng rơi vào cảnh côi cút do đại dịch Covid-19.
Biến trăn trở thành sức mạnh
“Thời gian trôi nhanh quá, nhiều lúc mình cảm giác như mới hôm qua, hôm kia còn cùng đồng nghiệp và các em sinh viên mặc đồ bảo hộ lăn xả vào những điểm nóng nhất của dịch bệnh”, ThS Trương Văn Đạt, Bí thư Đoàn Trường ĐH Y Dược TPHCM, tâm sự khi chúng tôi đề cập đến lễ tưởng niệm và cầu siêu đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, toàn Trường ĐH Y Dược TPHCM có 5.500 cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên tình nguyện tham gia chống dịch trên các mặt trận của TPHCM và chi viện các tỉnh, thành bạn. Khi TPHCM tổ chức lễ tưởng niệm và cầu siêu đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19, anh Đạt và đồng nghiệp càng thấm thía hơn sự đau thương, mất mát của người thân các nạn nhân. “Trong tâm dịch, cảm nhận của chúng tôi khi đó là xót xa, là tự vấn bản thân không thể cứu được tính mạng của những nạn nhân xấu số. Sau này, hình ảnh những ngọn nến trải dài trong con hẻm sâu hút - nơi có nhiều người mất vì Covid-19, những gia đình trên bàn thờ có nhiều bát nhang mới lập càng thôi thúc chúng tôi phải làm tốt hơn nữa vai trò chữa bệnh cứu người”, anh Đạt bày tỏ.
Là thủ lĩnh thanh niên của Trường ĐH Y Dược TPHCM, anh Trương Văn Đạt cùng các đồng nghiệp đã xông pha ở hầu hết các mặt trận phòng chống dịch nên nhận thức rất rõ những khó khăn của hệ thống y tế hiện nay là y tế cơ sở. Qua bàn bạc và nhận được sự thống nhất cao của lãnh đạo nhà trường, sự đồng thuận của cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường, các chiến dịch tình nguyện gần đây và cả trong mục tiêu hoạt động tình nguyện, Đoàn Trường ĐH Y Dược xác định chung tay cùng TPHCM nâng chất y tế cơ sở.
Trước mắt, Đoàn Trường ĐH Y Dược TPHCM đặt mục tiêu nâng cao năng lực y tế cơ sở, phát huy vai trò của trạm y tế như mô hình kiểu mẫu đối với 10 trạm y tế. Đặc biệt, Đoàn trường sẽ đưa nhân lực y tế về các trạm y tế; tổ chức các lớp đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn cho nhân viên y tế cơ sở...
Dịch Covid-19 làm TPHCM mất đi hơn 17.500 người, gần 2.000 trẻ em mồ côi và hàng ngàn người bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân TPHCM đã quan tâm, chăm lo cho nạn nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, trẻ mồ côi do Covid-19 được đặc biệt quan tâm với nhiều chương trình như Vòng tay yêu thương. Mẹ đỡ đầu, học bổng cho trẻ mồ côi do Covid-19… của Hội LHPN TPHCM. Hội LHPN TPHCM phối hợp các tổ chức đoàn thể rà soát để không bỏ sót trường hợp trẻ mồ côi do Covid-19 không được chăm lo. Các tổ chức Đảng tại các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng nhận đỡ đầu cho các em đến khi học xong đại học. Ngoài ra, Báo SGGP phối hợp Hội Đông y TPHCM và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu Covid-19, với chủ đề “Sức khỏe nhân dân - nụ cười thầy thuốc”. |