32 chuyến bay VNA đưa khách rời Phú Quốc
Ngày 10-8, thông tin từ huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), mực nước chỉ còn ngập khoảng 0,7m, giảm rất nhiều so với mức 1,6m trong các ngày trước. Đến chiều 10-8, chỉ còn một vài chỗ bị ngập cục bộ như Rạch Ông Chì, Bến Tràm. Hội chữ thập đỏ, các ban ngành, đoàn thể và doanh nghiệp, cá nhân vẫn tiếp tục cung cấp các suất ăn miễn phí cho các hộ dân sơ tán và bị ảnh hưởng ngập lụt (ảnh).
Trong những ngày qua, giúp dân khắc phục tình hình mưa bão tại Phú Quốc, Vùng 5 Hải quân đã sơ tán 1.250 người dân, công nhân, chuyển hơn 90 tấn hàng hóa, đồ đạc của nhân dân và các trường học trong vùng ngập sâu về nơi tránh trú an toàn. Hướng dẫn đảm bảo an toàn cho hơn 1.000 lượt người đi qua các khu vực nước chảy nguy hiểm; tổ chức chằng chống 78 nhà dân, khơi thông gần 4.000m cống rãnh; hỗ trợ áo phao, mì tôm, cơm, nước uống với tổng trị giá khoảng 350 triệu đồng.
Cùng ngày, Vietnam Airlines (VNA) cho biết hãng đã tăng chuyến và bay bù để vận chuyển hành khách bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu. Hãng thêm 3 chuyến Hà Nội - Phú Quốc, 7 chuyến TPHCM - Phú Quốc trong ngày 10-8. Đồng thời, đưa 4 chuyến bay không có hành khách từ Hà Nội, TPHCM đến Phú Quốc để kịp thời đưa khách còn kẹt tại Phú Quốc trở về. Như vậy, cùng với các chuyến bay thường lệ, Vietnam Airlines thực hiện tổng cộng 32 chuyến giữa Hà Nội, TPHCM và Phú Quốc trong ngày 10-8.
Cũng trong ngày 10-8, đoàn công tác của Bộ Công an đã đến phúng viếng, thăm hỏi, chia buồn và trao tặng 20 triệu đồng cho gia đình ông Phạm Minh Tú (50 tuổi, công an viên thôn Tân Thịnh, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc) thiệt mạng trong lúc giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại trong đợt lũ xảy ra trên địa bàn. |
UBND tỉnh Cà Mau vừa thông báo từ ngày 2 đến 7-8, tỉnh thiệt hại 32 tỷ đồng do thiên tai. Nhiều đoạn nước cao hơn đê biển Tây Cà Mau 0,4m, gây hư hại nhiều đoạn đê, hư hỏng nhiều vườn rau, ngập nhiều ao cá của nông dân. Cà Mau kiến nghị trung ương hỗ trợ kinh phí 73,9 tỷ đồng thực hiện các công trình khẩn cấp bảo vệ tuyến đê biển Tây, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT hỗ trợ 1.400 tỷ đồng để di dời dân cư vào sinh sống ổn định ở các cụm tuyến dân cư mới giai đoạn 2016-2020, lộ trình đến năm 2025. Trước mắt, hỗ trợ 140 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác cho Cà Mau triển khai thực hiện khẩn cấp Dự án Đầu tư hạ tầng tái định cư, di dời dân di cư tự do, dân sinh sống vùng thiên tai tỉnh Cà Mau, với khoảng 646 hộ.
Ngày 10-8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa lớn, kèm theo gió mạnh, dông lốc đã làm hơn 100ha lúa hè thu của bà con nông dân trong tỉnh bị sập và ngập úng. Hiện nay, mực nước lên cao ở nhiều vùng trũng của huyện Trần Văn Thời. Vì vậy, dù lúa chín nhưng không thể thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Nếu cắt bằng thủ công thì giá thành cao nhưng cũng không có người cắt. Tình trạng này đã làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và tiến độ thu hoạch vụ lúa hè thu. Còn tại Bạc Liêu, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này cho biết mưa lớn kéo dài, gió mạnh và lốc xoáy cũng làm gần 200ha lúa bị ảnh hưởng (tập trung chủ yếu ở huyện Hồng Dân). Nhiều diện tích hoa màu của dân trên địa bàn cũng bị ngập và thiệt hại lớn.
Hồ đập tại Tây Nguyên vẫn an toàn
Theo báo cáo của đoàn công tác Bộ NN-PTNT, Tây Nguyên có tổng số 1.207 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 30 hồ chứa tràn cửa van (Kon Tum 9, Gia Lai 5, Đắk Lắk 8, Đắk Nông 6, Lâm Đồng 2) và 1.177 hồ có tràn tự do. Hiện nay còn 41 hồ chứa hư hỏng chưa có kinh phí nâng cấp, sửa chữa (Kon Tum 7, Gia Lai 10, Đắk Lắk 8, Đắk Nông 8, Lâm Đồng 8). Các hạng mục yêu cầu vượt lũ của các công trình đang thi công đều đáp ứng tiến độ vượt lũ; công trình được xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho công trình đầu mối và vùng hạ du. Các hồ chứa hiện đang được vận hành theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt, được tổ chức thường trực 24/24 giờ và hiện đang đảm bảo an toàn.
Đến ngày 10-8, nước lũ tại 2 huyện Định Quán và Tân Phú đã rút xuống mức không còn nguy hiểm, mực nước trên sông đã giảm xuống hơn 1m so với ngày 9-8. Các tuyến đường giao thông cũng đã thông suốt và người dân đi lại dễ dàng. Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục thống kê thiệt hại do lũ gây ra để có hướng hỗ trợ người dân 2 huyện Tân Phú và Định Quán. Đợt ngập lụt khiến hàng trăm căn nhà tại 2 huyện trên bị thiệt hại nặng nề. Cùng ngày, Công an huyện Định Quán (Đồng Nai) đã giải cứu thành công 6 người dân bị mắc kẹt trên cù lao Ba Lềnh, ấp 8, xã Thanh Sơn, do cầu treo dân sinh tại ấp 8 bị mưa lũ làm đứt.
Tại Lâm Đồng, ngày 10-8, mực nước các con sông, suối ở khu vực các huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng như Đạ Tẻh, Cát Tiên đã giảm xuống dưới mức nguy hiểm. Đến chiều tối 10-8, nước lũ vẫn còn gây ngập các thôn thuộc xã Lộc Châu, Đại Lào (TP Bảo Lộc). Thống kê sơ bộ, đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hơn 2.430 căn nhà bị ngập (548 hộ dân được di dời); hơn 2.558ha cây trồng bị ngập; 52,2ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; hơn 30 vị trí đường giao thông bị sạt lở, chia cắt; 7 cầu, cống bị cuốn trôi… Tổng thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng.
Tại khu vực đèo Bảo Lộc, trong ngày 10-8, lực lượng chức năng tiếp tục công tác giải phóng hiện trường những khu vực bị sạt lở đất. Riêng trong buổi trưa, do lực lượng chức năng cứu hộ xe khách rơi xuống vực, nên đèo tạm ngưng cho phương tiện lưu thông đến 15 giờ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, trong ngày 10-8, khu vực phía Đông Bắc của Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã có nắng nóng với nhiệt độ cao, có nơi trên 36°C. Dự báo ngày 11-8, các khu vực trên sẽ có nắng nóng thêm 1°C. Vùng nắng nóng cũng bắt đầu lan sang phía Tây Bắc của Bắc bộ. Tại Trung bộ, nắng nóng sẽ còn kéo dài nhiều ngày, chưa thể nhận định ngày kết thúc. |