Nếu không tháo gỡ kịp, tức “Không giải quyết được đồng nghĩa với việc chúng ta đánh mất đi cơ hội. Đánh mất cơ hội của mình còn có thể chấp nhận nhưng đánh mất cơ hội cho địa phương, cho đất nước thì không thể chấp nhận”, như đề nghị tha thiết của đồng chí Nguyễn Văn Nên.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá, đến nay TPHCM thu ngân sách hơn 282.000 tỷ đồng, bằng 1/3 cả nước. Đầu tư phát triển cho TPHCM 1 đồng sẽ tăng 3-4 đồng so với 1 đồng đầu tư ở nơi khác. Và cũng chính Thủ tướng nhìn rõ cái lực cản ấy đến từ đâu: “Cái tôi thấy vướng là ở các bộ ngành, cứ đi lòng vòng, lên được vòng xoáy trôn ốc này có khi mất cả năm, thậm chí là mấy năm trời. Như vậy thì không ổn, rất khó phát triển... Chúng ta không hợp thức hóa cái sai nhưng phải tìm giải pháp, cơ chế chính sách để tháo gỡ, xử lý những tồn đọng”.
Một thực tế phải đối diện là, giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ của TPHCM dường như đã qua, kinh tế thành phố đang giảm thông qua các chỉ số tốc độ tăng trưởng chậm lại trong 5 năm gần đây. Vai trò đầu mối xuất nhập khẩu giảm; hiệu quả sử dụng vốn thấp hơn so với bình quân của cả nước; dòng vốn FDI giảm về số lượng lẫn quy mô trong từng dự án.
Hạ tầng GTVT đang quá tải và tắc nghẽn ở nhiều nơi, nhất là ở các cửa ngõ thông ra các vị trí quan trọng như sân bay, bến cảng, các tuyến đường liên kết với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hạ tầng đô thị thành phố không đáp ứng được nhu cầu phát triển của dân số và phát triển kinh tế. Tình trạng ngập lụt và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống của người dân...
Thúc đẩy phát triển cho TPHCM chính là thúc đẩy phát triển cho cả nước, cũng như gỡ rối cho thành phố chính là giải quyết các vấn đề vướng mắc trong cả nước, vì thế cần chung một ý chí, mệnh lệnh, trách nhiệm và hành động thực thi.
Tập trung tháo gỡ những chồng chéo phức tạp, đang gây ra nhiều hệ lụy cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, là một ví dụ. Việc Thủ tướng sau chuyến làm việc với lãnh đạo TPHCM, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã nhanh chóng chỉ đạo bàn giao mặt bằng và thúc đẩy khởi công nhà ga T3 cho thấy quyết tâm “cùng nhau gỡ rối”.
Tuy vậy, những vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để xây dựng nhà ga T3 và các tuyến đường kết nối trực tiếp vào sân bay lại chưa thể làm nhanh, quyết liệt hơn. Khi một ngày nhà ga T3 còn chậm triển khai, việc ùn tắc của sân bay Tân Sơn Nhất (dưới đất lẫn trên không) sẽ ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển lẫn bộ mặt của kinh tế - xã hội TPHCM và cả nước.
Những nỗ lực giải tỏa hạ tầng xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất của địa phương (3 dự án kết nối trực tiếp vào sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được khởi công vào tháng 10, 11-2022, gồm dự án đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa dài hơn 4km kết nối nhà ga T3 và 2 hầm chui tại giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn dài 42m, 2 làn xe và nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý dài 35m, 2 làn xe + một cầu vượt trước ga T3 dài gần 1 km cho 4 làn xe) sẽ tiếp tục vướng nếu không có cách tiếp cận tổng thể từ chiến lược quốc gia có liên quan đến việc quản trị sân bay, đất quốc phòng; và rộng hơn là mô hình quản trị dựa trên quy hoạch về đô thị sân bay mà TPHCM đang đề xuất triển khai.
Hoặc như Cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 54 với thể chế và khung pháp luật hiện tại liên quan đến chính quyền địa phương đã không giải quyết được các nhu cầu “đặc biệt” của TPHCM. Các mục tiêu từ nghị quyết đặc thù này rất ý nghĩa nhưng kết quả đạt được lại rất khiêm tốn. Ngoài nguyên nhân khách quan do dịch bệnh thì bản thân nghị quyết vốn chưa triệt để trong nhiều lãnh vực; dẫn đến sự chồng chéo, vướng víu, thậm chí mâu thuẫn giữa Nghị quyết 54 và các luật chuyên ngành khác. Có được giao cơ chế, mà không cùng thực hiện thì càng làm càng rối. Đây chính là một trong những “đơn hàng” vướng mắc mà các bộ ngành và TPHCM cần giải quyết rốt ráo để tạo sức bật cho cực tăng trưởng mới của thành phố.
Với ý chí, trách nhiệm và hành động thực thi mạnh mẽ của Chính phủ và TPHCM, hy vọng sẽ xoay chiều diễn biến: từ tháo gỡ những cản trở, giải phóng các điểm nghẽn đến đột phá để tạo đà phát triển, cho thành phố và cả nước.