Chung sức bình ổn thị trường dịp cuối năm

Phục vụ mùa mua sắm cuối năm cũng như Tết Nguyên đán 2023 sắp tới, thời điểm này các địa phương và doanh nghiệp (DN) trên cả nước đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị tạo nguồn hàng nhằm đảm bảo chất lượng và giá cả ổn định. 
Hàng hóa phục vụ thị trường cuối năm được các nhà bán lẻ lên kế hoạch chuẩn bị từ giữa năm 2022
Hàng hóa phục vụ thị trường cuối năm được các nhà bán lẻ lên kế hoạch chuẩn bị từ giữa năm 2022

Chuẩn bị nguồn hàng từ sớm

Năm nay, Tết Dương lịch và Âm lịch tương đối gần nhau nên dự kiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản sẽ tăng. Do đó, các DN trên cả nước đang hối hả lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng để cung ứng ra thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Thực tế tại các địa phương như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương… cho thấy, ngay từ giữa năm 2022, các địa phương đã xây dựng kế hoạch đến tháng 6 năm sau để DN triển khai giải pháp chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa cho dịp cuối năm và tết.

Điển hình như TPHCM, kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm đã được Sở Công thương TPHCM chuẩn bị từ giữa năm 2022, nhờ vậy lượng hàng hóa trên thị trường luôn dồi dào, đảm bảo giá cả hợp lý. Đặc biệt, nhằm chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Quý Mão 2023 tới, Sở Công thương TPHCM đã làm việc với các DN, nhà phân phối để đưa ra phương án phù hợp. Theo Sở Công thương, tới nay các DN trên địa bàn đã có kế hoạch chuẩn bị dự trữ gần 40.000 tấn hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp Tết 2023. Trong đó, các DN dự trữ 5.253 tấn lương thực, 2.031 tấn đường, 2.356 tấn dầu ăn, 5.603 tấn thịt gia súc, 8.481 tấn thịt gia cầm, 54,4 triệu quả trứng gia cầm, 1.485 tấn thực phẩm chế biến, 9.255 tấn rau củ quả, 297 tấn thủy hải sản và 1.600 tấn gia vị. 

Đặc biệt, Sở Công thương TPHCM cũng đã đôn đốc các DN bình ổn thị trường xây dựng, dự trữ nguồn hàng chiếm từ 25%-43% so với nhu cầu của người dân, bảo đảm không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm trên địa bàn thành phố. “Để ổn định thị trường từ nay đến cuối năm, Sở Công thương TPHCM tiếp tục triển khai công tác bình ổn thị trường hàng hóa nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm; chủ động triển khai các giải pháp tăng cường liên kết vùng nguyên liệu với các tỉnh, thành phố, thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, dữ liệu tình hình sản xuất cung ứng và thị trường tiêu thụ; hình thành các chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa có tính thích ứng, linh hoạt cao trước các tác động của thiên tai, dịch bệnh và tác động khác”, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết. 

Tương tự, theo Sở Công thương TP Hà Nội, hiện nay đã có 34 DN trên địa bàn và 16 DN ở tỉnh, thành khác tham gia chương trình bình ổn thị trường. Sở Công thương Hà Nội đã hỗ trợ DN để đưa hàng vào hơn 12.000 điểm bán, gồm 132 siêu thị, hơn 8.000 tổ hợp chuyên doanh, 1.200 sạp hàng tại chợ truyền thống, hơn 500 bếp ăn tập thể. 

Theo Sở Công thương TP Hà Nội, tất cả DN tham gia chương trình bình ổn đều được hỗ trợ hoạt động vận chuyển để đảm bảo không đứt gãy nguồn cung, đưa hàng nhanh nhất đến với người tiêu dùng.

Tăng cường triển khai các chương trình kích cầu

Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hàng hóa, sở công thương các địa phương trên cả nước cho biết đã có kế hoạch làm việc với DN để triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu mua sắm cuối năm như: tham gia chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia; tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa; tổ chức các hội chợ khuyến mãi…

Là hệ thống bán lẻ lớn nhất tham gia Chương trình bình ổn thị trường, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co.opmart, thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết, Saigon Co.op đã tăng lượng dự trữ lên 30%-50%, tùy từng nhóm hàng. Thông thường, mức dự trữ hàng tết tại Saigon Co.op dao động trong khoảng 20%-30%.

Với hoạt động kích cầu, Saigon Co.op đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai luân phiên những đợt khuyến mãi lớn. Cụ thể, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra cả nước đang thực hiện tri ân khách hàng liên tục trong 14 ngày với hơn 40.000 sản phẩm giảm giá mạnh. Chương trình được tổ chức liên tục từ ngày 27-10 đến ngày 9-11 với chủ đề “4 triệu tin yêu - một lòng tri ân”. Điểm nhấn của chương trình là luân phiên giảm giá 14 ngày liên tục cho hơn 40.000 sản phẩm nhu yếu; đồng thời mỗi siêu thị sẽ dành tặng 8 xe quà, mỗi xe trị giá 1 triệu đồng cho khách hàng may mắn. Tổng cộng sẽ có hơn 1.000 xe quà được trao tặng khách hàng trong thời gian diễn ra chương trình. Đặc biệt, khách hàng thành viên được chương trình tặng điểm thưởng mức cao khi mua hàng vào thứ ba hàng tuần, được hoàn tiền khi mua hàng, đăng ký thành viên mới sẽ được tặng ngay 50-100 điểm thưởng với hóa đơn mua hàng từ 300.000 đồng trở lên.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart, mục tiêu của chương trình là thiết thực tri ân hàng triệu khách hàng đã tin yêu đồng hành cùng hệ thống bán lẻ Saigon Co.op trong nhiều thập niên qua. Chính sự tin tưởng và góp ý của khách hàng là động lực để tập thể Saigon Co.op liên tục cải tiến chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

Đáng chú ý, chương trình tri ân năm nay, bên cạnh các mặt hàng nhu yếu phẩm, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ giảm giá mạnh nhóm hàng thực phẩm tươi sống, nâng chất cho nhóm thực phẩm chế biến nấu chín sẵn hết sức tiện lợi. Đồng thời cũng mong muốn khách hàng tiếp tục ủng hộ nhóm hàng đặc trưng, đặc sản các địa phương, vùng miền đang có tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra trên cả nước.

Theo Bộ Công thương, thời gian tới, tổ điều hành thị trường trong nước đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Tin cùng chuyên mục