Báo Nhân Dân hàng tháng số 123 ra tháng 7-2007, trong bài viết: “Những vần thơ nặng nghĩa tình” có câu “Còn đó những bến Chương Dương, cửa Hàm Tử, sông Bạch Đằng, ải Chi Lăng... những chứng nhân lịch sử”. Theo “Từ điển tiếng Việt”, xuất bản năm 1995 (in lần thứ tư) giải nghĩa “chứng nhân là người làm chứng”.
Trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của giáo sư Nguyễn Lân (1906-2003) do Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, xuất bản năm 2000, thì chứng nhân trước hết là danh từ, theo chữ Hán: nhân là người – người làm chứng. Còn chứng tích cũng theo chữ Hán là dấu vết – dấu vết của vật còn lại tỏ sự tồn tại trong quá khứ. Như vậy “bến Chương Dương, cửa Hàm Tử, sông Bạch Đằng, ải Chi Lăng...” không phải là chứng nhân, mà phải là chứng tích mới đúng.
LÂM THAO
300 - 8 = 282 ?
Trong Tuổi Trẻ cuối tuần ra ngày 15-7-2007, mục “Mỗi tuần 1 con số” có chuyện 300/8, viết:
“Đây là chênh lệch giữa giá trị thực và giá bán hóa giá một ngôi biệt thự cho các thành viên gia đình đang ở tập thể trong ấy. Sự chênh lệch này, có nghĩa ngân sách đã mất đứt số tiền 282 tỷ đồng. Thủ phạm là Sở Môi trường Nhà đất Hà Nội!”.
300 tỷ – 8 tỷ = 282 tỷ?
Còn 10 tỷ nữa đi đâu? Báo in sai, hay lại là khoản lại quả, trà nước?
CAO PHI YẾN
Tai mèo, không phải tai bèo
Trên Tiền Phong cuối tuần số 28 ngày 9-7-2007, nhà văn Hoàng Minh Tường giới thiệu nhà thơ người dân tộc Pa Dí là Pờ Sảo Mìn và trích dẫn thơ ông:
Con trai người Pa Dí
Mẹ sinh ra trên đỉnh đá tai bèo
Uống nước nguồn trong veo...
Đá tai bèo là gì, nghe không thủng tai ! Đối chiếu với tập thơ “Cây hai ngàn lá” của Pờ Sảo Mìn in năm 1992 mới vỡ lẽ: đá tai mèo chứ không phải đá tai bèo. Sai một từ mà khiến câu thơ đâm tối nghĩa, phản cảm. Mong khi trích dẫn thơ văn người khác nên cẩn trọng, không đánh đố bạn đọc.
T.N.T.