Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng sản xuất và xuất khẩu thủy sản thì các thị trường nhập khẩu mặt hàng này cũng ngày càng gia tăng các yêu cầu về chứng nhận để kiểm soát và thúc đẩy hoạt động, từ khai thác hợp pháp đến nuôi trồng thủy sản bền vững.
Song thực tiễn việc triển khai các chứng nhận này không thể tránh những bất cập. Vì vậy, cần có những hướng dẫn cũng như điều chỉnh để phù hợp giữa thực tiễn và các yêu cầu của chứng nhận, nhằm đáp ứng xu hướng ngày càng nghiêm ngặt và chặt chẽ của nước nhập khẩu.
Thời gian qua, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức khảo sát và tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp (DN) thành viên liên quan đến một số bất cập, khó khăn khi thực hiện các tiêu chuẩn của chứng nhận ASC tại một số thủ tục, chỉ tiêu.
VASEP cũng nhận được sự phối hợp tích cực từ Tổ chức ASC (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản) liên quan đến các kiến nghị của DN. Từ đó, vào nửa cuối tháng 5 vừa qua, VASEP đã công bố quyết định thành lập “Hội đồng cố vấn về chứng nhận bền vững của VASEP” để giúp việc cho Ban Chấp hành VASEP trong chương trình thúc đẩy, hỗ trợ DN hội viên áp dụng tốt và thuận lợi các chứng nhận bền vững quốc tế.
Hội đồng cố vấn thực hiện 4 nhiệm vụ chính, bao gồm: Góp ý những tiêu chuẩn và quy trình - thủ tục của các chứng nhận thủy sản; tổng hợp khó khăn, vướng mắc của DN hội viên để trao đổi, đối thoại, đề nghị giải quyết với đơn vị sở hữu chứng nhận và các đơn vị liên quan; phối hợp các bên hỗ trợ nâng cao năng lực DN hội viên thực hiện các chứng nhận; quảng bá về DN, sản phẩm thủy sản chứng nhận tại Việt Nam.
Việt Nam với chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 thì giá trị xuất khẩu sẽ đạt 14-16 tỷ USD vào năm 2030; trong đó, sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản đóng góp 60%-65%. Kỳ vọng tỷ trọng này sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai nếu các DN hội viên áp dụng tốt và thuận lợi các chứng nhận bền vững quốc tế.