Những câu chuyện người thật, việc thật có sức lan tỏa qua những tác phẩm VHNT giàu cảm xúc.
Sự lan tỏa của cuộc vận động còn thể hiện ở việc vận dụng kịp thời và hiệu quả công nghệ, thay đổi phương thức từ trực tiếp sang trực tuyến, lan tỏa một cách nhanh chóng, mạnh mẽ giá trị của các tác phẩm VHNT.
Ban tổ chức đã nhận 1.877 tác phẩm sáng tác ở 7 lĩnh vực: văn học, âm nhạc, sân khấu, múa, nhiếp ảnh, mỹ thuật, điện ảnh, tập trung phản ánh công tác phòng chống dịch Covid-19; viết về những câu chuyện người thật, việc thật, những việc làm, hành động, nghĩa cử cao đẹp chia sẻ của tập thể, tổ chức, cá nhân trong việc hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ cùng đồng hành, tích cực tham gia phòng chống và vượt qua đại dịch; khắc họa những tấm gương hy sinh, xả thân, cống hiến cao cả của các lực lượng tuyến đầu chống dịch như bác sĩ, y sĩ, nhân viên y tế, công an, bộ đội, thanh niên tình nguyện, dân phòng…; tuyên truyền, giáo dục, động viên, cổ vũ tinh thần đoàn kết, mang tính nhân văn, thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. Trong đó, có 617 tác phẩm văn học, 946 tác phẩm âm nhạc, 56 tác phẩm sân khấu, 10 tác phẩm múa, 159 tác phẩm mỹ thuật, 82 tác phẩm nhiếp ảnh và 7 tác phẩm điện ảnh.
Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng thực hiện 13 số talkshow trực tuyến Mỗi người dân là một chiến sĩ, phát sóng vào tối thứ bảy hàng tuần tại địa điểm chính là sân khấu hội trường Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM. Anh Ngọc Bảo (quận 3, TPHCM) cho hay, anh hầu như không bỏ qua số talkshow nào. “Tôi xem qua fanpage của Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM và giới thiệu cho bạn bè cùng xem. Có thể nói, xem những câu chuyện ở chương trình, tôi thấy bóng dáng của mình, gia đình, bạn bè trong đó. Đó là những ngày đáng nhớ…”.
Có hơn 70 khách mời gồm các tác giả, nghệ sĩ, chuyên gia… đã nhiệt tình tham gia, giúp chương trình trở thành điểm hẹn cuối tuần thú vị cho nhiều khán giả. Khi triển khai, chuỗi talkshow Mỗi người dân là một chiến sĩ đã nhận được sự ủng hộ vô điều kiện của giới văn nghệ sĩ. Đặc biệt, chương trình được thực hiện trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và thời điểm bình thường mới tại TPHCM.
Cũng thông qua chương trình, ban tổ chức đã vận động các tập thể, cá nhân đóng góp, ủng hộ nhiều phần quà chăm lo cho các văn nghệ sĩ, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM gắn với chiến dịch cộng đồng Chung một niềm tin chiến thắng.
Trên các nền tảng số, đông đảo khán giả, nhân dân TPHCM đã thưởng thức, tương tác chương trình, thể hiện qua các con số: 4.032.107 lượt tiếp cận, 1.234.397 lượt xem, 94.734 lượt tương tác, tổng số lượt xem trực tiếp cao nhất lên đến 19.825 lượt.
Bên cạnh đó, hoạt động tích cực của việc thông tin truyền thông về cuộc vận động trong suốt thời gian qua cho thấy sự lan tỏa rộng khắp của cuộc vận động nói riêng và hiệu quả tích cực của các tác phẩm VHNT nói chung trong việc hiệu triệu tinh thần dân tộc, chung sức đồng lòng của người dân cả nước vượt qua dịch bệnh.
Tối 4-7, tại Nhà hát Thành phố diễn ra lễ công bố và trao tặng giải thưởng Cuộc vận động sáng tác, dàn dựng và phổ biến các tác phẩm VHNT đề tài phòng chống dịch bệnh Covid-19 Chung một niềm tin chiến thắng. Tham dự chương trình có các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Ban tổ chức đã trao 68 giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc. Trong đó, có 6 tác phẩm đoạt giải A: Lĩnh vực ca khúc Chỉ là hơi mệt chút thôi của NS Đinh Quang Minh; đờn ca tài tử - vọng cổ Màu áo ân tình của tác giả Nguyễn Thị Bế; múa Chung một niềm tin chiến thắng của biên đạo múa Huỳnh Hồng Diễm; mỹ thuật - tranh Sài Gòn trong thời giãn cách của họa sĩ Lê Sa Long; nhiếp ảnh - bộ ảnh Mệnh lệnh từ trái tim của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong; sân khấu - kịch nói, vở Niềm tin chiến thắng của tác giả Nguyễn Thanh Bình. |